Thị trường thương mại điện tử Việt ước đạt 52 tỷ USD vào năm 2025
Ngày 20/4, tại sự kiện Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam - VOBF 2021, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã công bố báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021.
Theo đó, báo cáo cho biết tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2019 là khoảng 30%. Từ năm 2015 - 2019, quy mô thương mại điện tử, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD lên khoảng 11,5 tỷ USD. Báo cáo dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và đạt quy mô 15 tỷ USD.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động toàn diện tới xã hội, làm thay đổi hành vi mua sắm của khách hàng, thị trường mua bán trực tuyến trở nên sôi động hơn. Nhân tình hình đó, các doanh nghiệp cũng đã biết cách thích nghi, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, hỗ trợ nhiều hơn cho kinh doanh trực tuyến.
Cộng thêm việc lượng khách hàng mua sắm trực tuyến tăng đã giúp duy trì sự ổn định và tăng trưởng của bán lẻ hàng hóa trực tuyến, gọi đồ ăn và giải trí trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đào tạo trực tuyến. Ước tính chung, năm 2020, thương mại điện tử nước ta tăng trưởng khoảng 15% vầ đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD.
Theo báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18% trong khi lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%.
Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và tới năm 2025, quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.
Theo khảo sát của VECOM, sản lượng bưu phẩm gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%, kéo theo các doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu tăng trưởng 30% đến 60%. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát thấp hơn so với tốc độ sản lượng.
Năm 2020 dịch vụ tiếp thị số tăng trưởng chững lại một chút nhưng vẫn ở mức cao. Theo Báo cáo Xu hướng tiếp thị số Việt Nam 2021, doanh thu marketing số năm 2019 là 716 triệu USD và dù gặp đại dịch COVID-19 nhưng con số này năm 2020 vẫn đạt 820 triệu USD và dự đoán năm 2021 sẽ tiền tới con số 1 tỷ USD.
Lĩnh vực thanh toán trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo Hội thẻ Ngân hàng VIệt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020 các ngân hàng đã phát hành mới tới 10,3 triệu thẻ các loại, nâng tổng số thẻ ở VIệt Nam lên 103,4 triệu. Trong đó, số thẻ quốc tế là 15 triệu và thẻ nội địa là 88,4 triệu. Doanh số thanh toán chi tiêu theo kênh thương mại điện tử trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng 17%.
Trong đó, doanh số thanh toán chi tiêu thẻ nội địa theo kênh thương mại điện tử tăng tới 81% nhưng chi tiêu thẻ quốc tế tại kênh thương mại điện tử giảm 16%. Điều này phản ảnh sự suy giảm mạnh mẽ của du khách quốc tế cũng như khó khăn khi mua hàng trực tuyến từ nước ngoài về Việt Nam, tất cả đều phải chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.