|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'2023 là năm mang tính sống còn của doanh nghiệp bất động sản'

17:19 | 06/02/2023
Chia sẻ
Thị trường bất động sản vừa đi qua một năm có nhiều biến động, thách thức và những khó khăn dự báo sẽ chưa dừng lại. Theo ông Lê Hoàng Châu, năm 2023 là năm bản lề, mang tính sống còn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Thị trường bất động sản năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa: Hải Quân).

Tại tọa đàm “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp” do Báo Người Lao Động tổ chức chiều 6/2, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định, thị trường bất động sản đang rất khó khăn.

"Năm 2022 có thể nói là khắc nghiệt nhất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng bất động sản. Năm 2023 là năm bản lề, mang tính sống còn của doanh nghiệp bất động sản", ông nói.

Chủ tịch HoREA một lần nữa nêu thông tin, khó khăn pháp lý chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản. Thị trường bất động sản là ngành quan trọng nhất trong nhóm 21 ngành của kinh tế. Bất động sản liên quan tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Sự phát triển của ngành này ổn định sẽ có lợi cho các ngành khác. Dòng vốn của ngân hàng cũng đã xác định và hướng vào ngành bất động sản chân chính. 

Năm 2017, thị trường bất động sản có 42.991 sản phẩm được tung ra, sau đó giảm dần qua các năm còn 28.000 năm 2018, rồi 23.000 năm 2019 và năm 2020 còn 16.894 sản phẩm. Đến năm 2021 chỉ 13.849 sản phẩm được bán ra và 2022 chỉ có hơn 12.100 sản phẩm. Tốc độ giảm quy mô lớn theo từng năm. Tình trạng này là do thiếu dự án mà nguyên nhân chính là do vướng mắc pháp lý và cần tập trung tháo gỡ.

Trong bối cảnh trên, vào cuối năm 2022, Thủ tướng đã ký các công điện liên tục để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường  bất động sản. Nghị quyết 01 hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp tục nhắc lại những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có nhiều thông tư tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó có các quy định liên quan đến việc miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cũng như miễn giảm lãi, phí đối với người vay.

Ông Châu cho rằng, việc cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ là cực kỳ quan trọng. Bởi cái khó là không phải lãi suất cao mà không được tiếp cận vốn ngân hàng. Ngân hàng ấn định tới đây vốn cho vay còn ít hơn. Từ ngày 1/10/2022, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng điều chỉnh từ 37% xuống 34%. Đến 1/10/2023 sẽ tiếp tục giảm còn 30%.

Do đó, HoREA cũng kiến nghị NHNN cho giãn thêm thời gian, vì nếu tỷ lệ này xuống còn 30% từ 1/10/2023 thì có nghĩa là các ngân hàng thương mại sử dụng 100 đồng chỉ còn dùng 30 đồng cho bất động sản. Điều đó có nghĩa, nguồn lực cho vay ngày càng ít đi trong khi các doanh nghiệp đang kiệt quệ. 

"Lãnh đạo UBND TP HCM cũng có chỉ đạo Sở Xây dựng với hiệp hội để làm việc với một số doanh nghiệp bất động sản, tháo gỡ một số dự án cụ thể. Như vậy trong một tuần hoặc 10 ngày nữa sẽ có cuộc họp này", ông Châu thông tin.

Cũng theo vị này, nếu bất động sản phục hồi, lan tỏa thì thúc đẩy rất nhiều ngành nghề khác. Vừa qua, khi nhà thầu dừng triển khai dự án, nhiều công nhân đã mất việc, nhiều doanh nghiệp giảm lương 50% nhân sự, giảm lương 80%. Có doanh nghiệp không có tiền thưởng lương tháng 13 cho nhân viên. Năm 2023 rất cần có giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng.

"Hiện nay chúng tôi cũng đang lo về nguy cơ thôn tính dự án bất động sản. Tới đây chúng tôi sẽ đề nghị NNHH xây dựng thông tư riêng, trong đó có cho phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ. Vì dòng tiền vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản. Khi dòng tiền luân chuyển có lợi các bên mà khởi đầu là từ các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản. Khi có tiền, dự án được triển khai, người mua có sản phẩm mua thì dòng tiền này quay lại doanh nghiệp,... 

Riêng với các doanh nghiệp bất động sản cũng cần phải tự vận động, nỗ lực và cần coi lại chính mình. Phải chủ động tái cơ cấu sản phẩm, giảm giá bán", ông Châu nói.

Quá trình sàng lọc sẽ rất đau đớn

Cũng tại tọa đàm, TS.Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nêu quan điểm, thị trường bất động sản có vai trò lớn và tiềm năng lớn của nền kinh tế. Phát triển bất động sản là nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và là động lực cho nền kinh tế. Những gì diễn ra trên thị trường vừa rồi chỉ là sự cố có tính chất kỹ thuật, tạm thời. 

Khôi phục thị trường địa ốc là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Chúng ta bước vào năm 2023 có nhiều thuận lợi, khó khăn nhưng khó khăn nhiều hơn năm 2022. Để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, thu hút dòng tiền trở lại thị trường bất động sản, trước hết phải giải quyết các vấn đề về thể chế, pháp lý và thủ tục hành chính.

"Theo phản ánh của các doanh nghiệp, 70% vướng mắc hiện nay đến từ thủ tục hành chính. Nếu đúng như vậy thì quan trọng hàng đầu phải là giải quyết vướng mắc thủ tục và thể chế. Cần hệ thống lại pháp lý, các chính sách để trên cơ sở đó dẫn dắt cho việc tái cấu trúc thị trường vốn và khơi thông nguồn vốn vào bất động sản; đa dạng các nguồn vốn của từ trái phiếu, cổ phiếu, các quỹ đầu tư,… thay cho nguồn vốn tín dụng ngân hàng", vị này nói.

Mặc dù vậy, theo ông Lộc, trong giai đoạn chuyển tiếp này thì vai trò của nguồn vốn tín dụng rất quan trọng. Nghị quyết 01 của Chính phủ nêu rất rõ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ phải chắc chắn và linh hoạt, điều đó bảo đảm đối phó với áp lực lạm phát đang gia tăng. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn, giảm nợ,… cần được tiếp tục.

"Quá trình khôi phục thị trường bất động sản sẽ là quá trình sàng lọc rất đau đớn, sẽ có những doanh nghiệp buộc phải rời thị trường, có những doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Nguồn vốn ngân hàng phải tập trung vào những lĩnh vực tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quan trọng là sự minh bạch của thị trường bất động sản và chính sự minh bạch sẽ dẫn dắt dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này", TS.Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Hà Lê