|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường bất động sản đầu năm đón tin vui

08:06 | 03/02/2023
Chia sẻ
Xác định những vấn đề của bất động sản hiện tại là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, Chính phủ sẽ có một cuộc họp ngay trong tháng 2.

Thị trường bất động sản năm 2023 tìm động lực phục hồi. (Ảnh minh họa: Hải Quân).

Tại phiên họp thường kỳ diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự báo, tình hình sắp tới tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi. 

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn,...

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, xác định đây là nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp. Tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2.

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Trong Chỉ thị số 03 vừa ký ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế "tín dụng đen". Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên,...

Chia sẻ tại một tọa đàm diễn ra hồi đầu tháng 1, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng thông tin, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã triệu tập các tổ chức tín dụng để bàn bạc và ra Tết sẽ gặp các doanh nghiệp bất động sản để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

“Song, muốn bàn về các giải pháp tháo gỡ, các Hiệp hội liên quan đến bất động sản và cả các doanh nghiệp cần phải nắm bắt được giải pháp của chính các doanh nghiệp. Nghĩa là các doanh nghiệp tự có giải pháp cho mình, từ đó mới có kiến nghị đối với Chính phủ và ngành ngân hàng.

Không thể chỉ nêu thực trạng là hiện nay doanh nghiệp tôi có 10 dự án nhưng chỉ có 2 dự án đầy đủ pháp lý đã bán hết hàng, còn 8 dự án đang hoàn thiện pháp lý và vốn nằm ở đấy. Vậy thì Ngân hàng cho vay thế nào? Với 8 dự án chưa đầy đủ pháp lý thì liệu phát hành trái phiếu có đảm bảo được không?”, ông đặt vấn đề.

Ông Hùng nhấn mạnh, ngành ngân hàng sẽ có giải pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Nhưng sẽ chỉ tháo gỡ cho những dự án đã đầy đủ tính pháp lý và có hiệu quả, có giá bán hợp lý, đồng thời sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân.

“Các ngân hàng đã rà soát và đã nắm được những doanh nghiệp nào đầu tư dự án nhiều, những doanh nghiệp nào đầu tư ít. Vấn đề ở đây vướng mắc là gì, các tổ chức tín dụng có muốn cho vay tiếp không? Những dự án đã cho vay, ngân hàng rất muốn cho vay tiếp để hoàn thiện để thị trường bất động sản được khơi thông để dòng vốn được luân chuyển và có thể thu hồi được nợ,…”, ông nói.

Kiến nghị loạt giải pháp gỡ khó

Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng đánh giá, 2022 vẫn là năm khó khăn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Các doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý (như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.

Ngoài ra, trước các diễn biến phức tạp của nền kinh tế, từ giữa quý III đến cuối năm 2022, hoạt động của các sàn giao dịch có dấu hiệu khó khăn hơn, lượng giao dịch bất động sản đã giảm so với thời gian đầu năm dẫn đến quy mô của các sàn giao dịch bất động sản giảm, số lượng môi giới bất động sản cũng giảm theo.

Để đảm bảo thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh trong năm 2023, Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp, nhiệm vụ để giải quyết khó khăn.

Theo đó, Bộ Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng; Nghiên cứu đề xuất ban hành Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Cùng với đó, Bộ phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Bộ Xây dựng cũng hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật. 

Ngoài ra, Bộ Xây dựng kiến nghị NHNN xem xét, đề xuất phương án điều hành trần tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.

Bộ này cũng kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế theo đúng quy định pháp luật,...

Hà Lê