15 tập đoàn khổng lồ mạnh tay đầu tư hàng chục tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển
Samsung khai sinh trung tâm R&D 600 triệu USD về thiết bị gia dụng tại Việt Nam |
Kinh doanh tài sản trí tuệ tăng nhanh nhất trong 12 năm
Các công ty công nghệ và dược phẩm lớn của Mỹ đã đổ hàng tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển (Research and Development – R&D) trong năm nay, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào sở hữu trí tuệ với tốc độ nhanh nhất trong 12 năm qua, theo dữ liệu của chính phủ và công ty.
Đã nhiều năm nay, nền kinh tế Mỹ trong tình trạng thiếu những ý tưởng lớn. Do đó, sự gia tăng chi tiêu R&D là dấu hiệu tích cực cho thấy các tập đoàn cuối cùng cũng có thể “bơm” tiền vào những sáng tạo mới để đặt cược vào sự tăng trưởng.
Theo dữ liệu từ FactSet do Philip van Doorn tổng hợp, 215 công ty trong nhóm S&P 500 báo cáo đầu tư R&D của họ tăng hơn 19 tỷ USD lên 140 tỷ USD trong nửa đầu 2018 so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 33%.
Những tập đoàn dẫn đầu tăng trưởng trong đầu tư R&D 6 tháng đầu năm. (Nguồn: MarketWatch) |
Theo Cục phân tích kinh tế của Chính phủ Mỹ, từ đầu năm đến nay đầu tư khu vực tư nhân cho sở hữu trí tuệ đã tăng trưởng 11,1% lên 893 tỷ USD, đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng kinh tế hàng năm (tỷ lệ 3,1%), đây là mức đóng góp lớn nhất kể từ năm 1999.
Tất nhiên, xu hướng hai quý chưa chắc đã là dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp đã thường xuyên đầu tư vào tài sản trí tuệ như R&D, phần mềm và nghệ thuật.
Phải chăng việc cắt giảm thuế doanh nghiệp gần đây có liên quan đến việc tăng đột biến trong R&D? Có thể là như vậy, chúng ta sẽ phải chờ xem sự gia tăng liệu có tiếp tục trong những năm tới hay không hoặc sự tăng vọt có biến mất như thường lệ trong 20 năm qua.
Hầu hết các công ty này đều có nhiều tiền mặt. Vì vậy, thiếu vốn không phải là nguyên nhân khiến họ ít đầu tư vào R&D. Phản ứng với cơ hội thị trường là lý do lớn nhất. Nhưng việc cắt giảm thuế cũng có thể thúc đẩy phát triển R&D, vì luật sẽ yêu cầu khấu hao cho những tài sản vô hình như R&D bắt đầu từ năm 2022.
Công nghệ thông tin, dược phẩm thống trị R&D
Trong số các công ty S&P 500 báo cáo R&D 6 tháng đầu năm, những tập đoàn chi tiêu hàng đầu trong lĩnh vực này gồm: Amazon, Alphabet, Microsoft, Apple, Intel, Johnson & Johnson, Facebook, Bristol-Myers-Squibb, Celgene, Cisco Systems, Oracle, Qualcomm và IBM.
Mỗi công ty này đã đầu tư hơn 2,5 tỷ USD trong hai quý vừa qua. Phần lớn, họ đang cố gắng để tối đa hóa thị phần của mình cho các công nghệ phát triển nhanh (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và các loại thuốc mới).
Tuy nhiên cần lưu ý Amazon không báo cáo riêng chi tiêu cho “nghiên cứu và phát triển” mà báo cáo một khoản mục rộng hơn là “công nghệ và nội dung”, bao gồm một số chi tiêu cho thiết bị, tài sản, phần mềm và nội dung nghệ thuật.
Nhưng điều gì đang bị thiếu đi trong danh sách kia? Đầu tư của các nhà sản xuất ô tô, hàng không vũ trụ, các công ty công nghiệp khác như năng lượng, vật liệu và hóa chất. Rất nhiều khoản đầu tư được kỳ vọng sẽ biến đổi nền kinh tế và thế giới của chúng ta trong vài thập kỷ tới như phương tiện tự lái, robot, năng lượng tái tạo, công nghệ nano lại không được thực hiện bởi các công ty báo cáo số liệu hàng quý.
May mắn thay, một số công ty có ngân sách R&D rất lớn, bao gồm Ford, General Motors, General Electric, DowDuPont, Procter & Gamble, AT&T, Honeywell, Lockheed Martin và Exxon Mobil đang đầu tư vào những lĩnh vực này nhưng phải chờ báo cáo tài chính hàng năm.
Vấn đề tại sao lại là R&D?
Bởi vì nghiên cứu và phát triển hôm nay có thể mang lại những đột phá tuyệt vời cho hàng hóa và dịch vụ của ngày mai. Mức độ R&D cao có liên quan đến tăng trưởng năng suất, đây chính là nhân tố còn thiếu làm hạn chế tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Mỹ trong phạm vi 2%, thay vì có thể vượt mức 3%.
Hiện nay, Mỹ đầu tư vào R&D nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác (khoảng 550 tỷ USD/năm), chiếm 25% toàn cầu. Nhưng Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác đang bắt kịp một cách nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao gấp đôi. Tạp chí R&D dự đoán vào tháng 3 rằng R&D toàn cầu sẽ tăng 4,1% trong năm 2018. Các khoản đầu tư của Mỹ trong năm nay dường như vượt quá dự báo.
Có người đưa ra giả thuyết rằng những ý tưởng hay đang ngày càng khó tìm. Theo các nhà kinh tế học tại Đại học Stanford và MIT: “Chúng tôi đã xem một nhóm ý tưởng kể từ những năm 1980. Hầu hết các ý tưởng tốt đã được thương mại hóa. Đối với xã hội, chúng tôi sẽ đầu tư nhiều gấp hai đến bốn lần như chúng tôi làm trong R&D để tối đa hóa những khoản phúc lợi”.
Nhưng doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào R&D dường như không thể nắm bắt đầy đủ ích lợi xã hội từ những ý tưởng và công nghệ mới mà họ phát triển. Một số kiến thức bị "lộ" ra và làm lợi cho các đối thủ cạnh tranh cũng như toàn xã hội. Đó là lý do tại sao R&D cần được xem xét là một loại hàng hóa công cộng.
Chính phủ dành rất nhiều tiền vào nghiên cứu cơ bản, trong khi các doanh nghiệp có xu hướng tài trợ cho giai đoạn phát triển cuối cùng để có thể nhanh chóng thương mại hóa. Tuy nhiên, kinh phí cho nghiên cứu không theo kịp với sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong 10 năm qua, các khoản đầu tư R&D của chính phủ liên bang chỉ tăng 0,3% mỗi năm sau khi điều chỉnh lạm phát.
Sự gia tăng đột biến trong chi tiêu R&D của nhóm tư nhân trong năm nay là một phần của tín hiệu tích cực nhưng có lẽ chưa đủ.
Để nâng cao tiêu chuẩn sống và năng suất lao động, chúng ta không chỉ cần những nghiên cứu về điện toán đám mây và phát triển các loại thuốc mới đắt tiền cho bệnh nhân hiểm nghèo. Trên tất cả, chúng ta cần đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ có thể thay đổi tương lai sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, không chỉ đóng góp nhiều hơn cho ngành mà còn là vấn đề thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giàu - nghèo.
Xem thêm |