12 dự án thua lỗ ngành Công Thương giờ ra sao?
Theo nguồn thông tin PLO có được, tính đến nay thì 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công Thương đang trong giai đoạn xử lý các vướng mắc. Sau gần 3 năm triển khai xử lý, đã có những dự án kinh doanh có lãi nhưng cũng có dự án tiếp tục thua lỗ, ngừng sản xuất.
Dự án Nhà máy sản xuất sơ sợi polyester Đình Vũ.
Đáng chú ý, đến tháng 9-2019 đã có hai nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi: Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng lãi sau thuế đạt 7,3 tỉ đồng và Nhà máy thép Việt - Trung lãi sau thuế đạt 270,7 tỉ đồng.
Riêng nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đang được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các dự án thua lỗ.
Nguồn thông tin này cũng chia sẻ, các dự án phần lớn đang vướng mắc tập trung ở ba nhóm vấn đề: Xử lý tranh chấp để quyết toán hợp đồng thiết kế-cung cấp thiết bị công nghệ và thi công công trình (EPC) và quyết toán toàn bộ dự án; Vấn đề tài chính để giải quyết khó khăn cho các dự án, doanh nghiệp; Xây dựng phương án thoái vốn tại các dự án, doanh nghiệp.
Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, thuộc Tập đoàn Hóa chất – Vinachem:
Dự án này đã hoàn thành và vận hành thương mại từ năm 2010 (hoàn thành quyết toán dự án tháng 11-2013).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án có lãi qua các năm đến năm 2015. Tuy nhiên, sang năm 2016 sản xuất, kinh doanh của Nhà máy gặp nhiều khó khăn làm phát sinh lỗ khá lớn (461 tỉ đồng). Trong 9 tháng năm 2019, đơn vị này lãi 7,2 tỉ đồng. Sau 9 năm, dự án lãi 527 tỉ đồng.
Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai (Vinachem):
Trong 9 tháng 2019, dự án lỗ 200 tỉ đồng, tăng lỗ 94 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2018 (chủ yếu do tác động bởi giảm giá bán sản phẩm và giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình (Vinachem):
Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình.
Dự án này được tạm bàn giao, vận hành sản xuất thương mại từ tháng 9-2012. Đến tháng 7-2016, nhà máy đã dừng sản xuất do thua lỗ kéo dài và không còn đủ vốn lưu động.
Trong 8 tháng năm 2019, nhà máy đạt doanh thu 1.920 tỉ đồng bằng 121% so với doanh thu cả năm 2018; lỗ 417 tỉ đồng, giảm lỗ 284 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2018.
Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc (Vinachem):
Dự án này đã nghiệm thu và vận hành thương mại từ tháng 12-2015 đến nay. Trong thời gian vận hành Công ty liên tục bị thua lỗ.
Đến thời điểm 31-12-2016, tổng lỗ lũy kế là 1.716 tỉ đồng. Từ đó đến nay, chủ đầu tư đã nỗ lực đưa nhà máy vận hành, nhưng quá trình hoạt động, hệ thống thiết bị đã xảy ra nhiều sự cố, tuy không lớn, chi phí sửa chữa không nhiều nhưng phải ngừng toàn bộ hệ thống, tốn thời gian vận hành và chi phí chạy thử (khoảng 10 tỉ đồng/lần).
Tính đến tháng 9-2019, đơn vị này lỗ 342 tỉ đồng, tăng lỗ 138 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2018.
Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DSQ):
Công ty này được bàn giao từ Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từ tháng 6-2010.
Vướng mắc lớn nhất của Công ty là phải chịu gánh nặng tài chính lớn do thua lỗ từ thời kỳ chủ sở hữu là Vinashin; Trong giai đoạn 2010 - 2016, sau khi được PVN tái cơ cấu, bổ sung nguồn vốn, Công ty hoạt động chủ yếu dựa vào các hợp đồng đóng mới, sửa chữa với các đơn vị thuộc PVN.
Tuy nhiên, nguồn hợp đồng từ các đơn vị thuộc PVN ngày càng giảm, trong khi Công ty không đủ điều kiện để tham gia các hoạt động đấu thầu do các khoản nợ và lỗ lũy kế từ giai đoạn trước quá lớn.
Tình hình tài chính của DQS ước thực hiện đến ngày 31-8-2019: Lỗ lũy kế 3.800 tỉ đồng, tăng lỗ 1,4% so với cùng kỳ năm 2018; Vốn chủ sở hữu: -1.275 tỉ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2018; Tổng nợ phải trả 6.900 tỉ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2018.
Dự án Nhà máy thép Việt Trung:
Kết quả 8 tháng năm 2019, sản lượng sản xuất phôi thép đạt 354.550 tấn; doanh thu đạt 4.636 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 270,7 tỉ đồng (bằng 61% cùng kỳ 2018), nộp ngân sách nhà nước trên 745 tỉ đồng.
Dự án Nhà máy sản xuất sơ sợi polyester Đình Vũ (PVTEX - PVN):
Dự án này đã hoàn thành đi vào vận hành thương mại từ tháng 5-2014 nhưng liên tục bị thua lỗ trong quá trình hoạt động do chi phí sản xuất tăng cao hơn giá bán sản phẩm. Đến ngày 17-9-2015, nhà máy đã phải dừng sản xuất.
Sau gần 31 tháng dừng sản xuất, tới 20-4-2018, nhà máy đã khởi động vận hành lại. Tình hình tài chính của PVTEX đến ngày tháng 9-2019 lỗ lũy kế 5.120 tỉ đồng, tăng lỗ 12% so với cùng kỳ năm 2018; Tổng nợ phải trả: 7.806,1 tỉ đồng, tăng 1,56% so với cùng kỳ năm 2018.
Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi (PVN):
Tính đến nay, đơn vị này lỗ lũy kế 983 tỉ đồng, tăng lỗ 14,8% so với cùng kỳ năm 2018; Tổng nợ phải trả: 1.304 tỉ đồng, tăng 4,44% so với cùng kỳ năm 2018.
Dự án sản xuất Nhiên liệu sinh học Bình Phước:
Dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại từ tháng 4-2012, đến tháng 4-2013 phải dừng sản xuất do gặp khó khăn về thị trường sản phẩm đầu ra dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt thấp và bị thua lỗ.
Hiện nay, dự án đã hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa, sẵn sàng để vận hành lại. Tuy nhiên do giá sắn tăng cao nên các cổ đông (cổ đông nước ngoài chiếm cổ phần chi phối, PVOIL nắm 29% vốn điều lệ) đã quyết định tạm thời chưa vận hành nhà máy cho đến khi thị trường thuận lợi.
Theo đánh giá, do thị trường khó khăn, giá sắn cao nên nhà máy khó vận hành lại trong năm 2019. PVOil và các cổ đông đang xem xét khả năng bàn giao tài sản cho Ngân hàng tài trợ vốn xử lý theo quy định của Hợp đồng tín dụng và Hợp đồng thế chấp tài sản. Tính đến nay, nhà máy lỗ lũy kế 1.396 tỉ đồng, tăng lỗ 14,67% so với cùng kỳ năm 2018.
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam:
Trong năm 2017, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã triển khai và tổ chức bán đấu giá dự án lần 1 nhưng không thành công do không có nhà đầu tư nào tham gia đấu giá.
Sau nhiều lần xin ý kiến các bộ ngành, ngày 9-8-2019, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã gửi Hồ sơ tài liệu đến Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm toán kết quả định giá.
Sau khi có kết quả kiểm toán kết quả định giá của Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty Giấy sẽ triển khai các công việc tiếp theo để tổ chức bán đấu giá tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam.
Đến thời điểm hết tháng 8-2019, tổng nợ phải trả của dự án là 3.059 tỉ đồng.
Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ (PVB):
Đây là Dự án đầu tư xây dựng dở dang, khởi công từ quý III - 2009 nhưng đã phải tạm dừng thi công từ tháng 11-2011 do không đạt được thống nhất của các bên tham gia về chi phí phát sinh.
Trong thời gian qua, PVB đã triển khai phương án tìm kiếm đối tác để tiếp tục đầu tư Dự án theo nguyên tắc đối tác góp toàn bộ vốn còn thiếu để triển khai, hoàn thành Dự án.
Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp; do vậy, PVOil đề xuất phương án mở thủ tục phá sản đối với PVB theo quy định của Luật phá sản.
Thế nhưng, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự tại PVB nên PVOil đang thực hiện các kết luận của cơ quan chức năng đối với vụ án.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO):
Đây là dự án đầu tư đang thi công xây dựng dở dang, được khởi công từ tháng 9 -2007 nhưng đã phải tạm dừng thi công từ năm 2013. Nguyên nhân do gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn vì dự án bị kéo dài và tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao.
Bên cạnh đó, Hợp đồng EPC ký kết giữa TISCO và Tổng thầu MCC của Trung Quốc đã phát sinh nhiều vướng mắc đến nay vẫn chưa giải quyết được làm cho dự án càng bị kéo dài và khó khăn hơn.
Hiện nay, Tổng công ty Thép Việt Nam đang triển khai các hoạt động để thực hiện phương án thoái vốn của tại TISCO.