10 sự kiện \"nóng\" ngành ngân hàng năm 2016
Ban Biên tập NDH xin gửi đến quý vị độc giả 10 điểm nóng trong ngành tài chính ngân hàng nổi bật trong năm 2016.
1. Nỗi lo an toàn trong giao dịch điện tử
Giữa tháng 5/2016, thông tin về việc TPBank suýt mất hơn 1 triệu EUR vì tấn công mạng liên quan đến việc sử dụng tin nhắn lừa đảo được gửi qua mạng SWIFT dấy lên câu chuyện về an toàn bảo mật.
Nỗi lo về an toàn trong giao dịch điện tử tiếp tục tăng lên trong nửa cuối năm 2016. Hàng loạt chủ thẻ ngân hàng thông báo bỗng dưng bốc hơi khoản tiền lớn trong tài khoản như một chủ tài khoản Vietcombank báo mất 500 triệu đồng, chủ thẻ ANZ bị 'bốc hơi' gần 31 triệu đồng, sau đó tiếp tục chủ thẻ của Vietcombank cho biết bị mất 17 triệu đồng trong một đêm.
Một khách hàng mở tài khoản Agribank cũng bị đánh cắp 100 triệu đồng trong thẻ mà theo nguyên nhân theo đại diện từ phía ngân hàng là do tội phạm công nghệ cao rút bằng… thẻ trắng.
Nhiều chủ thẻ ngân hàng "tá hỏa" vì mất tiền |
Không chỉ giao dịch điện tử, ngay cả gửi tiền bằng sổ tiết kiệm, giao dịch trực tiếp thông qua ký séc cũng xuất hiện những khe hở khiến những khoản tiền lớn lên tới hàng chục tỷ đồng “không cánh mà bay” trong năm 2016 này.
Trong đại án 9.000 tỷ của Ngân hàng Xây dựng, số tiền 5.190 tỷ trong tài khoản bà Trần Ngọc Bích mà ông Phạm Công Danh chỉ đạo chuyển qua tài khoản ông Trần Quý Thanh nhưng không có chữ ký của chủ tài khoản là tang vật vụ án, sẽ được thu hồi. Nhưng quyết định này của tòa sơ thẩm cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm với tiền gửi của người gửi tiền trong những đại án kinh tế.
2. Nhiều đại án ngân hàng được đưa ra ánh sáng
Tháng 10/2016, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương đưa sáu vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý 1/2017, trong đó có 2 vụ việc liên quan đến ngân hàng bao gồm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh TP.HCM và vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại NHTM cổ phần Đại Dương.
Đại án tại Ngân hàng Xây dựng đã được xét xử sơ thẩm trong 50 ngày và dự kiến sẽ tiếp tục phúc thẩm từ 27/12. Thông qua các hợp đồng khống, nâng cấp hệ thống CoreBanking, thuê mặt bằng, các hợp đồng vay, ủy thác đầu tư và hợp đồng vay thế chấp giữa bà Trần Ngọc Bích với VNCB, ông Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng. Với 2 tội vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Phạm Công Danh đã bị tuyên mức án 30 năm tù, yêu cầu hoàn trả tổng cộng hơn 6.000 tỉ đồng đã rút hoặc vay từ VNCB. Bị cáo Danh sau đó kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.
Đại án 2.500 tỷ tại Ngân hàng Agribank Nam Hà Nội cũng đã hoàn tất sơ thẩm và đang trong quá trình phúc thẩm. Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam đã lập hồ sơ khống vay vốn mua máy móc và chuyển nhượng 6 thương hiệu không có thật để vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt gần 2.500 tỷ đồng của Chi nhánh Ngân hàng Agribank Nam Hà Nội. Hai bị cáo chỉ đạo và trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình cho vay sai quy định, bị phạt 30 năm tù.
Nhiều vụ án lớn khác ngành ngân hàng cũng đã được đưa ra xét xử trong năm như vụ chiếm đoạt 670 tỷ của ACB mà "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như là một trong các bên tham gia. Mới đây, VKSND cũng đã tống đạt cáo trạng truy tố đối với bị can Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank cùng 47 đồng phạm.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng đã chính thức bị khởi tố và bắt tạm giam phục vụ cho điều tra những sai phạm tại ngân hàng như nguyên Tổng giám đốc GPBank Phạm Quyết Thắng, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank Trần Phương Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của MHB,...
3. Ông Trần Bắc Hà rời khỏi vị trí Chủ tịch BIDV
Ngày 1/9/2016, ông Trần Bắc Hà chính thức rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển – BIDV sau 8 năm tại nhiệm. BIDV sau đó đã bầu ra vị trí Ủy viên Phụ trách HĐQT giao cho ông Trần Anh Tuấn. Chiếc ghế Chủ tịch của một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay vẫn còn bỏ trống.
Tám năm lèo lái con thuyền BIDV, ông Hà có vai trò lớn trong tăng trưởng kinh doanh của ngân hàng này với lợi nhuận năm 2015 cao gấp 2,9 lần năm 2008, hàng loạt các công ty trong lĩnh vực tài chính hoạt động tại các địa bàn nước ngoài. Tuy vậy, ngày ông Hà rời nhiệm sở, vẫn còn đó những công việc còn dang dở như kế hoạch tăng vốn hay phương án tái cơ cấu khoản vay đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mà ngân hàng này là chủ nợ lớn nhất.
4. Ngân hàng rốt ráo lên sàn trước giờ G, cổ phiếu niêm yết giao dịch trầm lắng
Mặc dù đã trở thành công ty đại chúng nhiều năm nay nhưng số lượng các ngân hàng lên sàn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thông tư 180/2015 ra đời tạo áp lực đẩy cổ phiếu lên giao dịch và đồng thời tăng nghĩa vụ thông tin của các công ty đại chúng trong đó có ngân hàng.
Những ngày cuối năm, hàng loạt ngân hàng đã thực hiện thủ tục lưu ký trên VSD như Techcombank, VIB.Nhiều ngân hàng đã gấp rút lấy ý kiến cổ đông về việc đăng ký giao dịch trên UPCoM cho kịp thời hạn như VPBank, OCB.Kienlongbank cũng chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị đăng ký chứng khoán vào giữa tháng 10.
Làn sóng lên sàn của các ngân hàng dù chưa lan tỏa trên diện rộng những cũng khiến giao dịch những cổ phiếu này tăng vọt trên OTC. Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết lại có một năm giao dịch trầm lắng. VCB là cổ phiếu ngân hàng giao dịch tích cực nhất nhưng đến nay cũng chỉ tăng 11,4% so với đầu năm.
Diễn biến tăng/giảm cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm |
5. Loay hoay bài toán tăng vốn
Phần lớn các ngân hàng tăng vốn trong năm 2016 chủ yếu thông qua hình phát hành cổ phiếu trả cổ tức, chia thưởng cổ phiếu hoặc qua phương thức sáp nhập như VIB chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 16,5%, ACB trả cổ tức 10%, SHB sắp trả cổ tức bằng cổ phiếu 7,5% và phát hành cổ phiếu hoán đổi để sáp nhập một công ty tài chính.
Bài toán tăng vốn đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn để yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu và kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn Basel II v ới 10 ngân hàng thí điểm. Tuy nhiên, các ngân hàng lại khó huy động nguồn vốn mới.
Biên bản ghi nhớ mua 7,73% cổ phần ký kết giữa Vietcombank và GIC tưởng chừng đã tháo gỡ nút thắt tăng vốn của một trong những ngân hàng lớn nhất của Việt Nam nhưng sau gần 4 tháng hai bên vẫn chưa có những bước tiến xa hơn. Nhiều kế hoạch tăng vốn được đưa ra nhưng chưa được thực hiện như 4 phương án tăng vốn của BIDV, kế hoạch sáp nhập PGBank của VietinBank,...
6. Trái phiếu trở thành kênh huy động vốn đắc lực
Trong bối cảnh khó tăng vốn điều lệ, các ngân hàng tích cực tìm đến vốn từ kênh trái phiếu để nâng vốn cấp II. Nhiều ngân hàng đã huy động vốn thành công qua kênh này như Vietcombank phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng. ACB đã phát hành 2.000 tỷ trái phiếu và đang dự kiến huy động thêm 1.500 tỷ đồng qua phát hành riêng lẻ; Bắc Á phát hành tổng cộng 950 tỷ qua hai đợt phát hành trái phiếu. Dự kiến tới đây, NCB, VietinBank cũng lên kế hoạch huy động vốn qua kênh này.
Cùng với ngân hàng, trái phiếu cũng trở thành kênh huy động vốn đắc lực trong năm qua. Nhiều doanh nghiệp huy động trái phiếu thành công như Vingroup (3.000 tỷ đồng), CII (40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi), SCR (dự kiến 200 tỷ đồng trái phiếu) trong lĩnh vực bất động sản; SBT (1.000 tỷ đồng), BHS (500 tỷ đồng), Anco (1.300 tỷ đồng),... trong lĩnh vực sản xuất. Còn trong lĩnh vực chứng khoán, SSI huy động 200 tỷ đồng vốn qua kênh trái phiếu với lãi suất 7% năm đầu và cộng 1,2% vào lãi suất tham chiếu trong các kỳ sau, VCSC huy động 600 tỷ đồng, lãi suất thả nổi bằng tổng lãi suất tham chiếu và 4,5%;...
Chính phủ cũng rất thành công khi huy động 281.000 tỷ đồng qua kênh này, hoàn thành kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ của năm từ ngày 7/12 dù đã có hai lần điều chỉnh tăng kế hoạch.
7. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm
Những ngày cuối năm, lãi suất huy động đang tăng nhẹ tại các ngân hàng. Nhưng nhìn lại năm 2016, không thể bỏ qua nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất cho vay của các nhà băng.
Từ cuối tháng 4/2016, các ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.
Tính đến tháng 12, mặt bằng lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn và 9-10% ở kỳ hạn dài. Thậm chí, lãi suất cho vay đối với khách hàng tốt giảm xuống 4-5%/năm.
8. Thông tư 36 được nới lỏng
Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được nới lỏng sau những thay đổi quy định trong Thông tư 06/2016/TT-NHNN được ban hành cuối tháng 5/2016. Theo đó, các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản hiện đang nằm trong nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150% và dự kiến sẽ chỉ tăng lên 200% từ 1/1/2017 thay vì mức 250% trước đó.
Đồng thời, việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng sẽ có lộ trình dài hơi hơn so với quy định nêu tại Thông tư 36.
9. Dừng gói tín dụng hỗ trợ bất động sản
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chính thức kết thúc đối thúc đối với nhóm khách hàng cá nhân vào 31/12/2016 sau khi được gia hạn thêm nửa năm và đã kết thúc đối với khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội từ 30/6/2016.
Đến 30/11/2016, Chương trình đã giải ngân 29.239 tỷ đồng, tạo điều kiện cho trên 50 ngàn cá nhân, hộ gia đình khó khăn về nhà ở cải thiện về chỗ ở…. Trong đó, NHNN đã giải ngân lũy kế đối với nhóm khách hàng cá nhân là 23.845 tỷ đồng.
10. Dự trữ ngoại hối cao kỷ lục 40 tỷ USD, tiếp tục được cho vay ngoại tệ
Năm 2016 NHNN đẩy mạnh mua ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối lên cao kỷ lục 40 tỷ USD, đảm bảo ổm định tỷ giá những tháng cuối năm.
Cuối tháng 5 vừa qua, Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN chính thức mở lại cho vay ngoại tệ với DN xuất khẩu từ 1/6/2016, sau khi cơ chế được khép lại từ 1/4/2016.
Tiếp đó, trong tháng 11 vừa qua, NHNN chính thức ban hành Thông tư 31/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ. Với quyết định này, doanh nghiệp (DN) tiếp tục được vay ngoại tệ đến cuối năm 2017. Tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam.
Thông tư 31 giúp hạ nhiệt nhu cầu về USD thị trường ngoại hối trong ngắn hạn, xoa dịu bớt sức ép lên đồng Việt Nam ở thời điểm cuối năm. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD yết tại các ngân hàng tăng 1,11% vẫn khá ổn định so với mức tăng mạnh (5,3%) năm 2015.