Các công ty sở hữu 10 chuỗi cửa hàng cà phê Highlands Coffee, The Coffee House,… đang làm ăn ra sao?
Doanh thu nghìn tỉ, công ty sở hữu Highlands Coffee dẫn đầu thương hiệu chuỗi cửa hàng cà phê
Highlands Coffee đang là thương hiệu dẫn đầu về số lượng cửa hàng tại Việt Nam, với 240 cửa hàng bao gồm cả nhượng quyền và trực tiếp do công ty quản lí. Năm 2018, công ty sở hữu thương hiệu Highlands Coffee - CTCP dịch vụ Cà phê Cao Nguyên đạt doanh thu trên 1.628 tỉ đồng, xếp vị trí dẫn đầu so với các công ty sở hữu những thương hiệu chuỗi cà phê khác tại Việt Nam.
Xếp thứ hai về số lượng cửa hàng phân bổ trên thị trường là The Coffee House (140 cửa hàng), thương hiệu đánh vào phân khúc cà phê giá từ 30.000 đến 60.000 đồng/sản phẩm. Với thực đơn gồm cà phê, trà, thức uống đá xay và trái cây, mức giá phổ biến của The Coffee House khoảng 45.000 đồng, cạnh tranh trực tiếp với Highlands Coffee.
"Sinh sau đẻ muộn" so với các chuỗi cà phê khác, sau 5 năm hoạt động, thương hiệu The Coffee House có khoảng 140 cửa hàng. Năm 2018, CTCP Thương mại dịch vụ trà cà phê Việt Nam, sở hữu thương hiệu The Coffee House đạt doanh thu gần 669 tỉ đồng, vượt qua doanh thu của đơn vị vận hành Starbucks Việt Nam.
Nguồn số liệu doanh thu: ViRac. Tổng hợp: Tuệ An.
Năm 2018, 45 cửa hàng Starbucks Việt Nam (bao gồm cả nhượng quyền và không nhượng quyền) mang về cho đơn vị vận hành là Công ty TNHH Thực phẩm & Nước giải khát Ý tưởng Việt doanh thu hơn 593 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, một số công ty sở hữu các thương hiệu cà phê nổi tiếng trong nước như Cộng Cà phê, Aha Cafe, UrbanStation… đạt doanh thu chỉ vài tỉ đồng.
Công ty TNHH Cộng Cà phê sở hữu thương hiệu Cộng, có doanh thu năm qua chưa đến 9 tỉ đồng. CTCP Aha Cà phê doanh thu năm 2019 hơn 2 tỉ đồng… Đây đều là những thương hiệu có số lượng cửa hàng không hề ít, chưa rõ tỉ lệ nhượng quyền tại các chuỗi cửa hàng này là như thế nào.
Hơn 10 năm có mặt trên thị trường, thương hiệu Aha Cafe phát triển nhanh chóng với 49 cửa hàng. Với mức giá trung bình 30.000 đồng/đồ uống, không gian "cà phê vỉa hè" của Aha án ngữ tại những vị trí đắc địa, gần như luôn chật kín chỗ. Nhà sáng lập Nguyễn Mạnh Hà từng nhấn mạnh Aha lấy việc duy trì chất lượng làm nòng cốt, mỗi năm mở một cửa hàng, không có ý định mở rộng bằng cách nhượng quyền. Tuy nhiên, một thời gian sau, Aha Cafe lại phát triển mạng lưới mạnh mẽ và cho phép nhượng quyền thương hiệu.
5/10 công ty sở hữu các chuỗi cà phê của Trung Nguyên Legend, E-coffe, Aha, Urbanstation, Gemini… liên tục lỗ
Ba công ty sở hữu các thương hiệu Highlands Coffee, The Coffee House và Không gian cà phê Trung Nguyên là những công ty có biên lợi nhuận gộp trên doanh thu cao hơn so với các chuỗi còn lại. Giá vốn hàng bán và dịch vụ của ba công ty chỉ chiếm khoảng 30-35%, thấp hẳn so với các công ty sở hữu những chuỗi cà phê khác.
Nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh của The Coffee House từng chia sẻ với báo chí quan điểm, cà phê chỉ đóng vai trò xúc tác cho nhu cầu kết nối. Còn ba yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của chuỗi cà phê mà anh nhận định gồm không gian, thái độ phục vụ và tiện ích (nhu cầu ăn sáng, ăn trưa...).
Tổng hợp: Tuệ An.
Năm 2018, CTCP Cao Nguyên sở hữu thương hiệu Highlands Coffee lãi sau thuế gần 100 tỉ đồng.
Đối với công ty sở hữu The Coffee House, lợi nhuận năm 2018 của công ty giảm mạnh so với năm trước, đạt chưa đến 2 tỉ đồng, do chi phí bán hàng lớn. Năm 2018, công ty sở hữu The Coffee House cũng chi tiền mua lại mảng sản xuất cà phê của Cầu Đất Farm.
Còn CTCP Trung Nguyên Franchising, công ty quản lí chuỗi không gian cà phê Trung Nguyên (Trung Nguyên Legend và E-coffee) ngày một lỗ nhiều.
Ngoài ra, trong năm 2018, chuỗi 63 cửa hàng của Cộng Cà phê (bao gồm nhượng quyền và không nhượng quyền) mang về cho công ty sở hữu thương hiệu là Công ty TNHH Cộng Cà phê doanh thu 8,6 tỉ, lãi sau thuế gần 49 triệu đồng.
Đáng nói, 5/10 công ty sở hữu các cà phê còn lại gồm Urbanstation, Gemini, Aha Cafe, Trung Nguyên Legend và The Coffee Bean & Tea Leaf đều lỗ. Riêng năm 2018, công ty vận hành các thương hiệu nhượng quyền của Trung Nguyên Legend và E-coffee lỗ gần 26 tỉ đồng, công ty sở hữu thương hiệu The Coffee Bean & Tea Leaf lỗ hơn 29 tỉ đồng, Aha Cafe lỗ 826 triệu.