Zara, Uniqlo phản ứng thế nào trước làn sóng Temu, Shein?
“Đây là một giai đoạn rất kỳ lạ và gần như chưa từng có đối với ngành bán lẻ”, Jack Stratten - Trưởng bộ phận xu hướng tại công ty tư vấn Insider Trends, chia sẻ tại sự kiện Source Fashion ở London vào tháng 8.
Trong vài năm qua, đại dịch, lạm phát cao kỷ lục và sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến đã khiến những điều bất thường trở thành điều bình thường mới trong ngành thời trang.
Các xu hướng chính mới liên tục xuất hiện, cho thấy ngành này vẫn đang phát triển nhanh chóng. Phần lớn sự thay đổi này được cho là do tác động từ hai nền tảng thương mại điện tử đang gây xáo trộn thị trường – Shein và Temu.
Đầu năm nay, nền tảng tiếp thị Omnisend đã khảo sát 1.000 người tiêu dùng Mỹ về thói quen mua sắm của họ. Kết quả cho thấy 70% đã mua sắm từ các nhà bán lẻ trực tuyến trong năm qua, với hơn một nửa (57%) mua sắm tại Temu và 43% tại Shein.
Khi người tiêu dùng toàn cầu tiếp tục chịu tác động của lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao, việc nhiều người chuyển sang mua sắm tại các nhà bán lẻ giá rẻ cũng là điều dễ hiểu.
Theo báo cáo Thị trường Thời trang Cao cấp Toàn cầu đến năm 2028 của GlobalData, dù việc đạt tăng trưởng vào năm 2024 vẫn sẽ gặp nhiều thách thức do niềm tin người tiêu dùng thấp, nhưng phân khúc hàng xa xỉ dự kiến vẫn sẽ vượt trội hơn so với toàn bộ thị trường thời trang trong 4 năm tới.
Ông Stratten giải thích rằng hai xu hướng đối lập này không đến từ các nhóm người tiêu dùng khác nhau. Thay vào đó, người tiêu dùng đang sử dụng dịch vụ “mua trước, trả sau” để mua các sản phẩm đắt tiền hoặc thỉnh thoảng chi tiêu cho một vài món hàng xa xỉ mỗi năm, trong khi vẫn thường xuyên mua sắm ở các nền tảng thời trang giá rẻ.
Điều này dẫn đến hiện tượng mà ông Stratten gọi là “chi tiêu phân cực”. “Mặc dù tin tức kinh tế toàn cầu có vẻ ảm đạm, chi tiêu vẫn phân cực: mọi người sẵn sàng chi nhiều tiền cho một số thứ nhưng lại tiết kiệm ở những khoản khác”, ông nói.
Trước thực trạng này, trả lời phỏng vấn tờ Nikkei mới đây, ông Oscar Garcia Maceiras - Giám đốc điều hành Inditex, công ty mẹ của thương hiệu thời trang Zara, đặc biệt nhắc đến sự nổi lên của các nền tảng thời trang nhanh trực tuyến của Trung Quốc như Shein và Temu.
Ông cho biết Trung Quốc vẫn là một thị trường tiềm năng dù nền kinh tế nước này đang chững lại. Inditex cũng đang xem xét mở rộng kinh doanh trực tuyến tại đây.
“Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường quan trọng đối với Inditex”, ông Oscar Garcia Maceiras chia sẻ. “Chúng tôi tập trung phát triển kinh doanh dựa trên nhu cầu của khách hàng hơn là dựa vào tình hình kinh tế vĩ mô. Chúng tôi cũng đang cân nhắc mở rộng nền tảng trực tuyến tại Trung Quốc”, ông nói.
“Ngành thời trang rất phân mảnh”, ông nói thêm. “Dù đối thủ là ai, nếu mô hình kinh doanh phù hợp với thị trường, chúng tôi có thể cạnh tranh hiệu quả”.
Tương tự, Uniqlo khẳng định “không hề” bị đe dọa bởi các ông lớn bán lẻ Trung Quốc như Shein và Temu, vì họ không có cửa hàng thực tế để thu hút thêm khách hàng.
Ông Taku Morikawa, Giám đốc điều hành Uniqlo khu vực châu Âu, cho biết nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản này không cần phải cạnh tranh vì Uniqlo có “một kênh rất quan trọng là các cửa hàng, trong khi họ chỉ tập trung vào trực tuyến. Cửa hàng thực tế rất quan trọng vì chúng tôi có thể trực tiếp trò chuyện và hiểu nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi kết nối trực tiếp và xây dựng mối quan hệ cảm xúc với khách hàng”.
Temu và Shein đã nhanh chóng bùng nổ trên thị trường bán lẻ trong những năm gần đây, gây áp lực cho các tên tuổi như Zara, H&M hay Uniqlo.
Tờ Reuters dẫn số liệu cho thấy giai đoạn từ 11/2022 đến 11/2023, nếu như Zara và H&M lần lượt tung ra 40.000 và 23.000 mặt hàng mới vào thị trường Mỹ thì trong cùng khoảng thời gian, nền tảng Shein đã giới thiệu 1,5 triệu sản phẩm - gấp 37 lần Zara và 65 lần so với H&M.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/