|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Zara, H&M vào Việt Nam, hàng xách tay có còn 'đất sống'?

09:58 | 26/02/2017
Chia sẻ
Thừa nhận có lo ngại nhưng nhiều đầu mối bán hàng hiệu thời trang xách tay cho biết, sẽ không mất khách hoàn toàn khi các thương hiệu này mở cửa hàng chính ...

Tại thời điểm này, hình ảnh khách hàng TP Hồ Chí Minh (đặc biệt là các bạn trẻ) xếp hàng, chen nhau mua sắm ở cửa hàng đầu tiên của Zara (thương hiệu thời trang Tây Ban Nha) đặt tại Việt Nam đã không còn. "Cơn sốt Zara" hồi tháng 9 năm ngoái là điều dễ hiểu khi đây là thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới.

Nhưng "cơn sốt" này không kéo dài lâu. Chị Trần Thị Lê Hiền (quận 4, TP Hồ Chí Minh) cho biết, bây giờ không còn cảnh xếp hàng hay tranh nhau mua. Khách đến mua đã cân nhắc rất kĩ về giá và chất liệu hàng chứ không mua chỉ vì cái mác hàng hiệu. "Tôi vào mấy lần nhưng đi ngắm là chủ yếu. Nhiều mẫu áo khoác có chất vải bình thường nhưng giá trên 1 triệu đồng là quá đắt với tôi. Do đó tôi không mua được gì".

zara hm vao viet nam hang xach tay co con dat song

Các đầu mối bán hàng hiệu xách tay ở Việt Nam đang có lợi thế là bán hàng online.

Một thương hiệu thời trang cùng phân khúc là Mango, dù đã vào Việt Nam từ lâu nhưng thực sự cũng chưa tạo được một cơn sốt đáng kể trên thị trường đầy tiềm năng với dân số trẻ này. Các shop nhận đặt hàng Mango xách tay vẫn sống tốt. Điều đó cho thấy, không phải cứ là hàng hiệu nổi tiếng vào Việt Nam là sẽ chiếm lĩnh được ngay thị trường.

Theo các đầu mối nhận đặt hàng Zara xách tay từ nước ngoài, khách mua hàng của Zara tại cửa hàng phân phối chính hãng tại Việt Nam thường là những người có tiền, thích tận tay lựa đồ, thử đồ tại chỗ. Những người này sẽ đến trực tiếp cửa hàng để mua.

Tuy nhiên, nhóm khách hàng khác chủ yếu là những khách hàng trẻ, khá am hiểu "quy luật" của thị trường lại thường chờ đợt sale bên Mỹ và Tây Ban Nha để đặt mua. Với những người biết cách săn đồ vào mùa giảm giá, có thể mua được hàng giảm đến 70%. "Giá mua hàng sale off rẻ hơn mua tại hệ thống chính hãng tại Việt Nam. Chưa kể, hàng đặt mua từ nước ngoài thường có mẫu mã đa dạng và cập nhật mẫu mới nhanh hơn", chị Hương Giang, một khách hàng nhận định.

Theo anh Lâm (quận 7, TP Hồ Chí Minh), chủ một shop chuyên nhận đặt hàng Zara cho biết, sự có mặt của Zara tại Việt Nam chắc chắn ảnh hưởng đến tất cả các cửa hàng, đầu mối chuyên nhận "order" nhãn hiệu thời trang này bởi khách đã có thể đến thử đồ trực tiếp. Thực tế, một số shop đã bị giảm số đơn đặt hàng.

Tuy nhiên, theo vị chủ này, dù thương hiệu Zara và tới đây là H&M mở cửa hàng tại Việt Nam thì anh vẫn không bỏ nghề bán hàng online. "Zara mới chỉ có một cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh, khách hàng ở các TP lớn khác vẫn chưa có cơ hội tiếp cận, vẫn phải đặt mua online qua các cửa hàng chuyên order", anh Lâm khẳng định.

Để có thể cạnh tranh lâu dài, đầu mối bán hàng này cho biết sẽ đẩy mạnh quảng cáo trực tuyến, bán hàng qua mạng và vận chuyển hàng toàn quốc, đồng thời nhận order cả các thương hiệu khác cùng phân khúc như H&M, Mango…

Chưa kể nếu so sánh về giá, đặt hàng xách tay có thể có mức giá rẻ hơn do đúng đợt sale off hay xả hàng ở nước ngoài. Chẳng hạn, một chiếc quần jean tại cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh có giá 1.299.000 đồng, trong khi cùng thời điểm có thể mua được sản phẩm cùng loại xách tay từ Mỹ với giá chỉ 699.000 đồng. (Tất nhiên, khách phải chờ thêm 2-3 tuần để hàng chuyển về Việt Nam). Những lí do này khiến các đầu mối bán hàng xách tay không dễ bị đánh bật khỏi thị trường.

Ở một góc nhìn khác, chủ shop JustMe (Kim Mã, Hà Nội) chuyên nhận order hàng hiệu đánh giá, việc Zara và sắp tới đây là H&M chính thức vào Việt Nam là một tín hiệu tốt cho người dùng Việt Nam và cho cả các shop bán hàng xách tay. Hiện trên thị trường Việt Nam, hàng trôi nổi, hàng nhái các nhãn hiệu này rất nhiều.

“Chúng tôi đang phải cạnh tranh với hàng trôi nổi, hàng "fake", còn hàng chính hãng thì chưa đáng lo vì Zara chưa bán hàng online. Nhiều khách hàng vẫn phải mua qua các cửa hàng như chúng tôi”, chủ shop này chia sẻ.

Như vậy có thể thấy, việc các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng đặt chân đến Việt Nam sẽ khiến thị trường đa dạng hơn, cạnh tranh giữa các phương thức bán hàng cũng tăng lên nhưng đó lại là cơ hội để người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm tốt, phù hợp với mình.

Hoàng Dương