Yuanta Việt Nam: Thị trường có thể xuất hiện nhịp hồi nhưng rủi ro dài hạn vẫn ở mức cao
Theo báo cáo mới cập nhật của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC), số liệu vĩ mô tháng 10 cho thấy nền kinh tế trong nước đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lạm phát, lãi suất, tỷ giá cao. Điều này đã làm chậm tốc độ tăng trưởng lĩnh vực sản xuất khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 chỉ tăng 3% so với tháng trước và 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cầu tiêu dùng cũng suy giảm với tổng mức bán lẻ tháng 10 giảm 1,4% so với tháng trước, đây là lần giảm thứ 2 trong 14 tháng qua (gần nhất là tháng 2 giảm 10.4% so với tháng trước đó do dịch COVID-19), đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ lữ hành (giảm 29% so với tháng trước) và lưu trú - ăn uống (giảm 17% so với tháng trước).
FSC cho rằng sau khi nhu cầu du lịch bùng nổ sau dịch COVID-19 thì hiện đã chậm lại do các yếu tố tác động tới tài chính cá nhân như lãi suất, lạm phát tăng.
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng phần nào chậm lại trước nhu cầu yếu đi tại các thị trường chính, khi lạm phát tại các thị trường chính như Châu Âu, Mỹ vẫn ở mức cao. Một số điểm tích cực Yuanta Việt Nam nhận thấy là xuất siêu ở mức cao, lũy kế 10 tháng đầu năm đạt 9,4 tỷ USD, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ thêm cho tỷ giá khi dự trữ ngoại hối đã giảm khoảng 21 tỷ USD trong thời gian qua.
Riêng trong tháng 10, xuất siêu tăng mạnh 58,8% so với tháng trước lên 2,27 tỷ USD. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh về giá trị trong tháng 10 như giày dép, cao su, gỗ và các sản phẩm gỗ, nguyên liệu dệt may.
Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục tăng nhẹ và áp lực lên việc tăng giá cả đã bắt đầu giảm. Áp lực tăng tỷ giá thời gian qua khá lớn và có dấu hiệu hạ nhiệt khi đồng USD trên thế giới giảm dần. Lãi suất tại các NHTM vẫn đang chịu nhiều áp lực và không loại trừ khả năng NHNN tăng thêm lãi suất điều hành lần nữa. Một yếu tố tích cực khác là gần đây là việc đốc thúc hoạt động đầu tư công trở nên tích cực hơn.
Đà giảm VN-Index có thể mở rộng xuống vùng 860 – 900 điểm
Liên quan đến diễn biến thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giảm 9,2% so với tháng 9 và đồ thị giá giảm dưới đường trung bình 50 tuần. Khối lượng giao dịch tăng nhẹ 5,8% so với tháng trước đó cho thấy áp lực bán vẫn ở mức cao.
Đồ thị tháng của chỉ số VN-Index giảm về gần vùng quá bán cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi, nhưng rủi ro dài hạn vẫn ở mức cao cho thấy đà giảm dài hạn có thể sẽ tiếp tục mở rộng với mức hỗ trợ gần nhất là vùng 860 – 900 điểm.
Mức định giá P/E TTM của chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức 10.5x, đây là mức định giá rất thấp nhưng bối cảnh dòng tiền vẫn đang suy yếu theo xu hướng giảm cho nên thị trường có thể sẽ chưa thể tìm thấy điểm cân bằng trong giai đoạn này.
Về chiến lược giao dịch, các nhà phân tích cho rằng xu hướng dài hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm và khuyến nghị các nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp 30 - 35% danh mục.