Cổ phiếu 'bank, chứng, thép' đua nhau về dưới mệnh giá, chấm dứt một chu kỳ tăng và chờ đợi nhịp sóng mới?
VN-Index diễn biến ra sao trước các biến động về lãi suất?
Đánh giá xu hướng và tác động của lãi suất lên thị trường chứng khoán, báo cáo mới đây của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho thấy lãi suất và VN-Index có mối quan hệ ngược chiều.
Cụ thể, giai đoạn 2007 - 2008, lạm phát tăng mạnh 2 con số (đỉnh điểm CPI lên tới 23%), cùng với tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến vấn đề lạm phát càng trở nên trầm trọng hơn, buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) phải nâng lãi suất điều hành 4 lần từ 6,5 lên 15% để kìm hãm đà tăng của lạm phát
Trước động thái quyết liệt kiểm soát lạm phát về dưới ngưỡng 20%, và tình hình tài chính thế giới khó lường, thị trường chứng khoán đã giảm 70% giá trị từ 1.100 xuống còn 315 điểm, mất khoảng 15 tỷ USD.
Đến năm 2009, lạm phát hạ nhiệt, SBV giảm mạnh lãi suất chính sách xuống 7%, giúp VN-Index phục hồi từ cuối tháng 3/2009 đến tháng 10/2009 từ 245 điểm lên 620 điểm tương ứng tăng 140%.
Do gói kích cầu đã làm cho mức tăng trưởng tín dụng lên tới 38% so với cùng kỳ, tạo áp lực lên lạm phát giai đoạn sau. Tháng 10/2009, SBV đã quyết định siết chặt tín dụng và thực hiện nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%, việc bất ngờ tăng lãi suất đã khiến thị trường đảo chiều giảm 20% từ 620 điểm xuống còn 495 điểm, kết thúc quá trình phục hồi của chỉ số.
Giai đoạn 2010 - 2011, gói kích cầu chỉ mang lại kết quả ngắn hạn khi lạm phát tăng trở lại đạt 11,75% vượt chỉ tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% của Chính Phủ đề ra, từ tháng 10/2010, SBV liên tục nâng lãi suất điều hành tổng 6 lần từ 8% lên 15%. Xu hướng chính của thị trường là sụt giảm, đến cuối năm 2011 VN-Indexgiảm 32% từ 500 về 340 điểm.
Từ năm 2012 đến 2019, SBV thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng khi lạm phát đã được kiềm chế, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, giúp phục hồi nền kinh tế, SBV quyết định 11 lần điều chỉnh hạ lãi suất điều hành từ 15% xuống 6,25% và duy trì ở mức thấp. VN-Index đã tăng 170% từ 350 điểm lên 960 điểm.
Bước sang giai đoạn 2020 -2021, bối cảnh quốc tế và Việt Nam bị xáo trộn trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19, VN-Index giảm mạnh 35% từ 960 xuống 650 điểm trong quý I/2020.
Để ứng phó với dịch bệnh và kích cầu tín dụng, SBV đã hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp trong tháng 3, tháng 5 và tháng 10/2020 từ 6,25% xuống còn 4% và duy trì nền lãi suất thấp, từ đó giúp VN-Index phục hồi 130% từ 650 điểm lên 1.525 – mốc đỉnh lịch sử.
Từ quý II/2022, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cũng đã bắt đầu có xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn ngắn và dài khi các ngân hàng chịu nhiều áp lực từ thanh khoản, mặc dù lãi suất điều hành phải tới tháng 9 mới bắt đầu tăng.
Xu hướng chính của VN-Index là giảm điểm, xét từ thời điểm bắt đầu nâng lãi suất điều hành đến hiện tại VN-Index đã giảm 20% từ 1.210 xuống còn 950 điểm.
Loạt cổ phiếu dắt tay nhau về dưới mệnh giá
Theo nhóm phân tích của KBSV, lãi suất tăng phản ánh chính sách tiền tệ đã bắt đầu chuyển sang xu hướng thắt chặt, giai đoạn “tiền rẻ” đã đi qua, các doanh nghiệp niêm yết thận trọng hơn và bắt đầu có xu hướng giảm huy động vốn mới để mở rộng mô hình kinh doanh, sản xuất.
Từ đó, tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán khi động lực tăng trưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết khó có thể bứt phá trong thời gian tới.
Mặt bằng lãi suất tăng khiến lãi suất chiết khấu trong các mô hình định giá tăng, khiến giá trị thực của cổ phiếu (theo các phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền, dòng cổ tức, lợi nhuận thặng dư...) bị kéo giảm và trở nên kém hấp dẫn.
Cũng theo Chứng khoán Vietcombank, lãi suất tăng nhanh và mạnh đối với cả lãi suất cho vay và huy động ở nhiều quốc gia trong thời gian ngắn gây nên áp lực rút vốn ròng trên các thị trường tài sản tại các thị trường mới nổi và kéo theo các rủi ro định giá lại tài sản tiếp diễn.
Thực tế, VN-Index đang trải qua những chuỗi ngày khó khăn và liên tục đánh mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Mới đây, chỉ số chính sàn HOSE đã để thủng mốc 1.000, từ đó phá đáy ngắn hạn và lọt Top các thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất trên thế giới. Trước xu hướng lao dốc của thị trường chung, cổ phiếu của các nhóm ngành đã bốc hơi 80 - 90% thị giá, thậm chí rơi về dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Được coi là chỉ báo nhạy của thị trường, cổ phiếu của các công ty chứng khoán đồng loạt lao dốc và rơi về dưới mệnh giá, điển hình như VDS, SHS, VIX, VIG, APS, AGR, ORS, TVB,... Thống kê cho thấy cổ phiếu nhóm chứng khoán từ đầu năm đến nay đã bốc hơi từ 60 - 90%, với hệ số beta hầu hết lớn hơn 1, tương ứng tốc độ giảm mạnh hơn so với VN-Index.
Tương tự, chuỗi giảm mạnh liên tiếp đã thổi bay toàn bộ thành quả tăng giá trong năm 2021 của nhóm thép. Khép lại phiên 11/11, duy nhất cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giao dịch trên mệnh giá với 12.300 đồng/cp. Trong khi các đại diện còn lại như HSG, NKG, TVN, TLH, VGS, POM, SMC, HMC, PAS, TNA, KVC,... đều đã rơi về dưới mệnh.
Sau quý III ảm đạm, bộ phận phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Everest dự báo rằng ngành thép sẽ phục hồi nhẹ vào quý IV, khi bắt đầu vào mùa xây dựng. Tuy nhiên, giá thép có thể sẽ duy trì ở mức thấp do giá nguyên liệu sản xuất như than cốc, quặng sắt đã hạ nhiệt từ tháng 3 đến nay.
Nhóm phân tích cho rằng vẫn có một số yếu tố kìm hãm ngành thép trong dài hạn như bất động sản đang gặp khó khăn do dòng vốn trái phiếu đang bị siết lại trong năm nay. Mặt khác, Luật đất đai sửa đổi với nhiều thay đổi, việc chờ đợi những sửa đổi chính thức được ban hành có thể làm giảm tốc độ phê duyệt các dự án trong thời gian tới.
Trong khi đó, báo cáo phân tích của SSI Research cho rằng nhu cầu tiêu thụ thép chậm lại là mối lo ngại chính.
Sau nhịp hồi phục ngắn từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8, cổ phiếu ngân hàng đã quay đầu giảm sâu từ đầu tháng 9 đến nay và là một trong các nhân tố chính kéo VN-Index rơi khỏi mốc 1.000 điểm. Với mức giảm phổ biến 20 - 60% từ đầu năm, một loạt cổ phiếu ngân hàng đã rơi về vùng đáy một năm.
Tính đến hết phiên 11/11, có 21/28 cổ phiếu ngân hàng niêm yết và giao dịch trên thị trường UPCoM có thị giá dưới 20.000 đồng/cp, trong đó có nhiều cái tên từng được nhiều nhà đầu tư săn đón, thường xuyên lọt Top thanh khoản như LPB (10.700 đồng/cp), MBB (16.000 đồng/cp), SHB (10.000 đồng/cp), STB (15.600 đồng/cp), VPB (16.300 đồng/cp).
Trong khi đó, một vài mã đang tiệm cận vùng này như EIB (24.200 đồng/cp), CTG (23.600 đồng/cp), TCB (22.800 đồng/cp) hay ACB (20.800 đồng/cp). Thậm chí có 5 cổ phiếu của các bank nhí như BVB, NAB, VBB, ABB, VAB có thị giá thấp hơn 10.000 đồng/cp.
Nhìn lại quá khứ, mặt bằng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng đạt đỉnh hồi tháng 5/2021. Thời điểm đó không có cổ phiếu nào có thị giá dưới 20.000 đồng/cp, những mã có giá thị trường thấp nhất cũng dao động 24.000 - 25.000 đồng/cp.