Thị trường chứng khoán (14/11): Áp lực bán giải chấp kéo dài, VN-Index vẫn giảm hơn 13 điểm
Đóng cửa, VN-Index giảm 13,49 điểm (1,41%) về 941,04 điểm, HNX-Index giảm 6,36 điểm (3,35%) xuống 183,45 điểm, UPCoM-Index giảm 1,82 điểm (2,65%) còn 66,81 điểm.
VN-Index dừng chân tại mốc 941,04 điểm, giảm 13,49 điểm, tương ứng 1,41% với thanh khoản thấp hơn phiên giao dịch hôm trước. VN-Index đã có một phiên mở gap đỏ lửa từ sáng, nhiều cổ phiếu midcap và penny giảm mạnh, thậm chí nằm sàn, duy có nhóm ngân hàng là khỏe hơn thị trường chung.
Cuối phiên, nhiều cổ phiếu trụ trong rổ VN30 được kéo để nâng đỡ chỉ số như VIC KDH VRE STB CTG MSN VND SSI... nhưng nhìn chung nhóm cổ phiếu midcap không có được sự hồi phục tương ứng.
Thị trường duy trì nhịp giảm trong phiên giao dịch buổi chiều. Sắc đỏ của NVL, VPB, MBB, MWG, GVR tác động lớn nhất đến VN-Index trong phiên hôm nay.
Về độ rộng của thị trường, sàn HOSE có 370 mã giảm giá, trong đó có tới 135 mã giảm sàn, áp đảo so với 86 mã tăng giá và 49 mã đứng giá tham chiếu. Tương tự, rổ VN30 có 20 mã giảm giá, 3 mã giảm sàn là PDR, NVL, GVR.
Về thanh khoản của thị trường, tổng khối lượng giao dịch phiên hôm nay đạt gần 770 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 10.689 tỷ đồng.
Tính đến 14h00, VN-Index giảm 16,43 điểm (1,72%) xuống 938,1 điểm, VN30-Index giảm 18,3 điểm (1,93%) về 930,56 điểm.
Thị trường dao động trong biên độ hẹp trong phiên chiều nay với số mã giảm tiếp tục áp đảo. Bên cạnh đó thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp, lực cầu chưa có sự chủ động nhập cuộc vào mỗi nhịp VN-Index rơi mạnh cho thấy dòng tiền nhìn chung vẫn duy trì thận trọng.
Điểm sáng đến từ nỗ lực mua ròng của khối ngoại với quy mô gần 1.400 tỷ đồng, tập trung tại nhiều cổ phiếu như STB, HPG, SSI, KBC, VND, CTG, DPM, VHM. Trong khi chứng chỉ quỹ E1VFVN30 đang dẫn đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với hơn 32 tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 15,19 điểm (1,59%) về 939,34 điểm, HNX-Index giảm 5,68 điểm (2,99%) còn 184,13 điểm, UPCoM-Index giảm 1,92 điểm (2,79%) xuống 66,71 điểm.
Về cuối phiên sáng, áp lực bán được thu hẹp khiến VN-Index có nhịp rút chân về sát mốc 940 điểm. Nhóm vốn hóa lớn là nguyên nhân chính khiến thị trường đi xuống với loạt mã trụ như NVL, VHM, VPB, TCB, BCM, EIB tác động tiêu cực lên chỉ số.
Chiều ngược lại, VIC lại đảo chiều hồi phục tích cực về cuối phiên, với mức tăng 2%, qua đó đã hỗ trợ thị trường hãm đà rơi. Bên cạnh VIC, CTG cũng giữ được sắc xanh khi dừng phiên sáng tăng 1,7% lên 24.000 đồng/cp; cùng VCB và STB tăng nhẹ chưa tới 0,5%, BID đứng giá tham chiếu.
Độ rộng sàn HOSE vẫn nghiêng về bên bán với 684 mã giảm, trong khi chỉ có 127 mã tăng và 96 mã đứng giá tham chiếu. Phiên điều chỉnh sáng nay chưa thu hút sự chú ý của dòng tiền khi thanh khoản ghi nhận sụt giảm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 376,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.706 tỷ đồng, trong đó giao dịch khớp lệnh trên HOSE đóng góp gần 4.000 tỷ đồng, giảm 10% so với phiên trước.
Tính đến 10h45, VN-Index giảm 17,31 điểm (1,81%) về 937,22 điểm, VN30-Index giảm 18,49 điểm (1,95%) còn 930,37 điểm.
VN-Index đã thu hẹp đà giảm tính đến giữa phiên sáng, một số mã vốn hóa lớn có tín hiệu hồi phục tích cực như CTG, VIC, BID, VCB, KDH, STB,...
Khối ngoại có động thái mua ròng với quy mô hơn 391 tỷ đồng, trong đó hoạt động giải ngân chủ yếu tìm đến STB (90,5 tỷ đồng), KBC (36,7 tỷ đồng), HDB (36,3 tỷ đồng), SSI (26,3 tỷ đồng), VND (21,2 tỷ đồng), CTG (20,9 tỷ đồng),...
Tính đến 9h40, VN-Index giảm 25,45 điểm (2,67%) còn 929,08 điểm, HNX-Index giảm 4,46 điểm (2,35%) xuống 185,35 điểm, UPCoM-Index giảm 1,59 điểm (2,31%) về 67,04 điểm.
VN-Index mở cửa giảm hơn 13 điểm với sự đổ dốc chủ yếu đến từ nhóm vốn hóa lớn. Như dự báo trước đó của công ty chứng khoán, sự phục hồi kỹ thuật tại phiên giao dịch cuối tuần đã phần nào xoa dịu nỗi âu lo trong lòng nhà đâu tư nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp và toàn thị trường vẫn có gần 200 mã giảm sàn cho thấy áp lực bán vẫn đang chi phối.
Theo quan sát, nhiều cổ phiếu vẫn chưa thể thoát khỏi cảnh giảm sàn, điển hình như PVD, PAN, DGC, CTD, HBC, KSB, DIG,... Tại nhóm vốn hóa lớn bộ đôi NVL và PDR tiếp tục mất thanh khoản và đang dư bán sàn với khối lượng lần lượt là 64,9 triệu đơn vị và 71,4 triệu đơn vị.
Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ tiếp đà đi lên trong phiên thứ Sáu (11/11). Một số nhóm cổ phiếu tăng mạnh sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero COVID.
Cụ thể, S&P 500 tăng 0,92% và kết phiên gần 3.993 điểm. Tính chung cả tuần qua (7-11/11), chỉ số đại diện thị trường này tăng 5,9%, ghi nhận tuần đi lên mạnh mẽ nhất kể từ 24/6 năm nay.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,1% lên gần 33.748 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite diễn biến tích cực nhất khi tăng 1,88% và kết thúc tuần ở 11.323 điểm. Phiên trước đó (10/11), Nasdaq cũng là chỉ số tăng mạnh nhất thị trường chứng khoán Mỹ với tỷ lệ 7,4%.