NĐT buồn bởi coi đầu tư chứng khoán là cả cuộc sống khi bên ngoài còn những điều thú vị, làm thế nào để thoát khỏi trạng thái này?
Chuẩn bị tâm thế trước khi đầu tư chứng khoán
Trong chương trình “Bí mật đồng tiền” của VTV, bà Đỗ Hồng Hạnh, chuyên viên tư vấn đầu tư của Chứng khoán SSI đã có những chia sẻ liên quan đến tâm lý của nhà đầu tư trong những giai đoạn này.
Góc nhìn của một chuyên viên tư vấn đầu tư, bà Hạnh cho rằng thông thường nhà đầu tư bị cảm xúc chi phối, nghĩ rằng khoản đầu tư chứng khoán là cuộc sống của mình và gắn kết với nó. Quan điểm này dẫn đến tình trạng không có tận hưởng được những cái điều giá trị khác bên ngoài cuộc sống.
“Khoản đầu tư chỉ là một phần rất là nhỏ trong cuộc sống thôi và ở bên ngoài còn rất là nhiều điều thú vị. Cách mà tôi thường khuyên các nhà đầu tư là hãy coi khoản đầu tư này là một phần nhỏ và hãy chỉ là người quan sát tách rời ra khỏi nó, ngắm nhìn nó. Để làm được điều đấy nhà đầu tư cần phải có một cái tâm thế từ trước. Tức là cái dòng tiền tham gia vào thị trường phải là một cái dòng tiền nhàn rỗi, không bị áp lực để mình không bị phụ thuộc vào nó.
Cái thứ hai là nhà đầu tư phải có một bản tuyên Ngôn đầu tư, trong đó có rất là nhiều yếu tố trong đấy để mình bám vào và mình không bị cảm xúc chi phối. Trong đầu tư cũng cần phải kiên nhẫn giống như cách nói là không thể sinh ra một em bé trong vòng một tháng bằng cách làm cho chín người phụ nữ mang thai. Nên là mình phải rất là kiên nhẫn trong đầu tư, mình cứ thả lỏng thì mình mới có thể ra được những quyết định đúng đắn”, nữ chuyên viên tư vấn đầu tư của SSI chia sẻ.
Xác định rủi ro và quản trị
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều cổ phiếu đều mất giá từ 60 – 70% từ đỉnh, thậm chí có những mã vốn hóa lớn mất thanh khoản, sự lo lắng hay cao độ hơn là hoang mang trong nhóm nhà đầu tư khó tránh khỏi.
Những năm qua, với sự phát triển của thị trường chứng khoán, kênh đầu tư này thu hút lượng lớn những nhà đầu tư mới. Trong số đó có những người quyết định nghỉ công việc chính thức sang “nghề đầu tư chứng khoán”. Đồng thời, các công ty chứng khoán tuyển thêm lượng lớn nhân viên. Hệ quả là một bộ phận từ nhà đầu tư “tay ngang” chuyển sang làm nhân viên môi giới, nhân viên tư vấn đầu tư.
Góc nhìn từ một người trong nghề, bà Hạnh nêu quan điểm, có rất nhiều các nhà đầu tư bỏ các công việc cũ chỉ đầu tư chứng khoán. Trong đầu tư hay là trong kinh doanh luôn có những rủi ro. Người làm kinh doanh có kinh nghiệm sẽ luôn có sự chuẩn bị cho những tình huống xấu khi mà rủi ro đến. Nhà đầu tư mà lựa chọn chứng khoán như là một hình thức kinh doanh cần phải quản trị rủi ro.
Xây dựng kế hoạch và mục tiêu khi đầu tư chứng khoán
Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân liên quan đến kế hoạch đầu tư hướng đến một cột mốc mới trong cuộc sống, chuyên viên tư vấn đầu tư của Chứng khoán SSI nêu ra một số ví dụ. Đơn cử như câu hỏi khoản đầu tư chứng khoán phục vụ cho một cái mục tiêu tài chính cá nhân nào trong tương lai.
Ví dụ như mục tiêu là về nghỉ hưu an nhàn, số khác hướng đến là dành để mua một cái ngôi nhà hạnh phúc hoặc là tài khoản đầu tư dành cho con mình để đi du học tại những trường đại học hàng đầu trên thế giới.
“Khi mà mình gắn cái khoản đầu tư này với một cái mục tiêu cụ thể, mình thường ít thua lỗ hơn. Cái thứ hai nữa là khi mà mình đã gắn cái cái khoản đầu tư này với một cái mục tiêu, mình lại cần phải tiếp tục trả lời những cái câu hỏi phía sau, mình kỳ vọng cái khoản đầu tư này sẽ mang lại cho mình cái tỷ suất sinh lời là bao nhiêu phần trăm một năm, mình cảm thấy hài lòng. Tức là mình đặt luôn ra cái ngưỡng để mình kiểm soát được cái gọi là lòng tham của mình.
Câu hỏi thứ ba là trong đầu tư chứng khoán rất rủi ro, mình tham gia một cái cuộc chơi rất là rủi ro và mình đã sẵn sàng cho cái việc chấp nhận rủi ro đấy hay chưa và cái khoản mà mình chấp nhận là thua lỗ cái tỷ lệ mất vốn cho cái khoản đầu tư này là bao nhiêu phần trăm”, nữ chuyên viên tư vấn của Chứng khoán SSI chia sẻ.