Yếu tố nào để hoàn thành thêm 2.000 km đường cao tốc đến năm 2025?
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt 12 dự án thành phần, hoàn thành trước 30/6/2022; đảm bảo khởi công trước 31/12/2022; triển khai thi công đồng loạt trước 31/3/2023.
Các địa phương bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước 20/11/2022; bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, những nội dung mà Chính phủ vừa chỉ đạo là một khối lượng công việc rất lớn, để thực hiện thành công nhiệm vụ trên cần sự khác biệt, đột phá và vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, cả nước hiện có 1.163 km đường bộ cao tốc, dự kiến đến năm 2023 sẽ hoàn thành khoảng 916 km đang đầu tư, nâng tổng số đường bộ cao tốc trong cả nước lên 2.079 km, đến năm 2025 sẽ có khoảng 3.000 km và năm 2030 là 5.000 km. Như vậy chỉ còn hơn 3 năm nữa để hoàn thành thêm 2.000 km đường cao tốc.
Tại sự kiện khánh thành dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn ngày 4/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều thời gian phân tích các nguyên nhân giúp dự án này hoàn thành đúng tiến độ, góp phần thực hiện khâu đột phá chiến lược về hạ tầng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, yếu tố quan trọng, mấu chốt là việc giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền với dự án, cụ thể là Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ, ngành phải tin tưởng giao trách nhiệm cho các địa phương và khi được giao, địa phương phải cố gắng cao nhất, khẳng định trách nhiệm của mình với dân, với nước.
"Tinh thần của Chính phủ là "phân cấp, phân cấp và phân cấp", nhưng phân cấp, phân quyền phải đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Trước đây, tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận sau khi được chuyển giao vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cho tỉnh Lạng Sơn và Tiền Giang, cùng với nỗ lực của nhà đầu tư, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã về đích chỉ sau 2 năm thực hiện và Trung Lương - Mỹ Thuận thông xe kỹ thuật sau gần 3 năm tái khởi động.
Tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi) nhìn nhận, nếu không áp dụng chỉ định tổng thầu xây lắp cho cả 12 dự án thì cũng nên áp dụng cho một số dự án có tổng thầu đăng ký dự thầu.
"Phương án chỉ định thầu công tác xây lắp nên sử dụng hình thức chỉ định tổng thầu cho từng dự án. Tổng thầu sẽ lựa chọn các nhà thầu phụ và nêu trong hồ sơ dự thầu, chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về chất lượng, tiến độ…", PGS.TS Trần Chủng nêu ý kiến.
Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một hình mẫu để các dự án khác tham khảo về sự chủ động của doanh nghiệp.
Sau 4 tháng kể từ ngày ký hợp đồng BOT, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã hoàn thành thu xếp vốn khi ký được hợp đồng tín dụng cùng ngân hàng TPBank với khoản vốn cam kết giải ngân cho dự án là 1.700 tỷ đồng, đáp ứng mọi điều kiện để tiến hành thi công xây dựng dự án.
Tại dự án này, liên danh nhà đầu tư đã áp dụng mô hình cơ cấu vốn 3P (P: "vốn ngân sách", P: "vốn chủ sở hữu nhà đầu tư" và P: "vốn huy động");vốn ngân sách nhà nước theo luật định, vốn chủ sở hữu tích lũy từ kinh nghiệm, khấu hao, tối ưu sản xuất, vốn huy động bằng vay tín dụng, phát hành trái phiếu, thị trường chứng khoán, hợp đồng hợp tác đầu tư (BCC).
Nhà đầu tư cũng đưa ra phương án giảm giá thành gần 10%, tương đương 891 tỷ đồng khi đấu thầu cạnh tranh từ việc tối ưu tổ chức thi công như: Sản xuất vật liệu từ nguồn đá đào hầm, tận dụng máy móc thiết bị đã khấu hao, dịch chuyển bộ máy thi công từ các dự án vừa hoàn thành như cầu Tình Yêu, hầm Bao biển (Quảng Ninh), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) nhằm giảm thiểu rủi ro dịch bệnh nhưng tăng năng suất lao động.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng.
Điều quan trọng nhất là làm sao để "đại lộ sinh đại phú", những con đường, cây cầu khi hoàn thành tạo ra động lực to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương.
Vì vậy, việc sớm hoàn thành các dự án; trong đó có cao tốc Bắc - Nam có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Theo tính toán của các nhà khoa học, hạ tầng, giao thông là lĩnh vực có tác động lan toả lớn nhất, mức độ tác động từ 1,26-1,4 lần (1 đồng đầu tư vào giao thông có thể thu về 1,25 -1,4 đồng). Cùng với đó mang đến ưu việt, thuận tiện lớn cho mọi lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, đến văn hoá...
Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ km đường cao tốc trên dân số thấp nhất khu vực và đây cũng là một trong những yếu tố hạn chế tốc độ phát triển chung cũng như tại nhiều địa phương. Do đó, phải tiếp tục đầu tư, phát triển hệ thống cao tốc theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra.
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, sau chuyến công tác "Xuyên Tết, xuyên Việt" của Thủ tưởng Chính phủ tại các dự án giao thông trọng điểm vừa qua, một loạt các giải pháp được chỉ đạo, khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, những người chịu trách nhiệm của những dự án này phải bằng mọi cách đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả của dự án...