|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vành đai 4 sẽ có 3 cầu vượt sông và 8 nút giao với loạt cao tốc, quốc lộ

16:50 | 14/02/2022
Chia sẻ
Dự án đường Vành đai 4 sẽ có 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1 và ba cầu vượt vượt sông. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng.

Sáng 14/2, tại hội thảo về dự án đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đại diện Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) báo cáo tóm tắt nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Theo đó, đường Vành đai 4 có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 94.127 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028. Dự án đi qua địa phận ba tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, qua Hà Nội dài 58,2 km qua 7 huyện; qua Hưng Yên dài 19 km; qua Bắc Ninh dài 25,6 km và tuyến nối với Quốc lộ 18 dài 9,7km.

Dự án vành đai 4 - Vùng Thủ đô có 8 nút giao với cao tốc và 3 cầu vượt sông - Ảnh 1.

Đại diện Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) báo cáo tóm tắt nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4. (Ảnh: Cổng Giao tiếp Điện tử Hà Nội).

Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai. Tuyến nối theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín đường Vành đai 4 có quy mô 4 làn xe cao tốc.

Dự án đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100km/h với thành phần đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; đoạn 4 làn xe và đường bên có tốc độ 60-80 km/h.

Dự án đường Vành đai 4 sẽ có 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1, bao gồm: nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nút giao đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; Quốc lộ 6; nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Quốc lộ 38; nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Dự án vành đai 4 - Vùng Thủ đô có 8 nút giao với cao tốc và 3 cầu vượt sông - Ảnh 2.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. (Đồ họa: Đức Bùi).

Dự án đường Vành đai 4 có ba cầu vượt vượt sông, cụ thể, hai cầu vượt sông Hồng là: cầu Hồng Hà (dài 5.023m) và cầu Mễ Sở (dài 2.674m); một cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990m)...

Đáng chú ý, đơn vị tư vấn đã đề xuất một số điểm đi thấp vừa giảm kinh phi đầu tư (xuống còn hơn 87.200 tỷ đồng), vừa bảo đảm quỹ đất và giao thông, phát triển đô thị hai bên một cách hiệu quả như tại Hà Nội, Bắc Ninh và KCN phố Nối (Hưng Yên)… có thể phát triển quỹ đất hai bên đường.

Chi tiết nội dung tính toán khái toán tổng mức đầu tư, được đơn vị tư vấn nêu rõ: đơn giá giải phóng mặt bằng được tham chiếu theo bảng giá đất năm 2020 của các địa phương liên quan, tính toán theo địa giới huyện và các chế độ chính sách theo quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, hệ số điều chỉnh giá đất đến thời điểm hiện tại.

Đơn giá xây dựng 1 km đường của dự án bao gồm: đơn giá xây dựng 1 km đường cao tốc 17m được tính toán quy đổi từ chỉ tiêu xây dựng đường cao tốc 4 làn xe trong suất vốn đầu tư (quy đổi theo bề rộng nền đường và mặt đường). 

Với tỷ trọng chi phí mặt đường/nền đường vào khoảng 55%/45% (tham chiếu từ các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1). Chỉ tiêu xây dựng 1 km đường 94,69 tỷ đồng/km.

Đơn giá xây dựng 1 km đường bên - đường đô thị loại 1 và đường bên đường đô thị loại 2 tham chiếu theo suất đầu tư đường ô tô cấp III đồng bằng và đường ô tô cấp IV đồng bằng với chỉ tiêu 24,07 tỷ đồng/1 km; Chỉ tiêu xây dựng cầu 1m2 mặt cầu bình quân 25,71 triệu đồng/m2...

Phương Trang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.