|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên phân chia các hạng mục làm đường Vành đai 4

22:45 | 05/10/2021
Chia sẻ
Bên cạnh việc huy động thêm nguồn vốn từ các địa phương có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua, Hội Đồng thẩm định đã thống nhất phân chia các hạng mục cho tỉnh Bắc Ninh, và Hưng Yên cùng triển khai. Hiện, hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đang được trình Chính phủ.

Theo Tiền Phong, liên quan đến dự án đường Vành đai 4 -  Vùng Thủ đô, Hội đồng thẩm định UBND TP Hà Nội đã thống nhất với hồ sơ của nhà đầu tư chia tuyến đường thành ba dự án thành phần.

Cụ thể: Dự án thành phần 1 - Giải phóng mặt bằng, tái định cư; Dự án thành phần 2 - Đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường đô thị đi bằng); Dự án thành phần 3 - Đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao.

Từ ba dự án thành phần này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Dương Đức Tuấn - Chủ tịch Hội Đồng thẩm định vừa ký văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội kết quả thẩm định hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4.

Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên phân chia các hạng mục làm đường Vành đai 4 - Ảnh 1.

Dự án đường Vành đai 4 được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, đi qua 14 quận, huyện, thành phố của Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. (Đồ họa: Justin Bùi).

Theo nội dung báo cáo, tại danh mục các tiểu dự án được chia theo các dự án thành phần trên, hồ sơ thi công dự án cũng đã chia danh mục các tiểu dự án với những nội dung công việc cụ thể, cùng với đó báo cáo thẩm định cũng “phân vai” cơ quan làm chủ đầu tư, huy động nguồn vốn cho từng tiểu dự án này.  

Với dự án thành phần số 1 (Giải phóng mặt bằng, tái định cư), dự án thành phần này được chia ra ba tiểu dự án gồm: Tiểu dự án A1; Tiểu Dự án 1B, Tiểu Dự án 1C, cùng với đó là các cơ quan thực hiện, huy động vốn kèm theo.

Tiểu dự án A1: Giải phóng mặt bằng cho hạng mục đường cao tốc, đường đi bằng hai bên, hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Dự án có chiều dài 58 km, cấp đường ô tô cao tốc với vận tốc 100km/h; tổng chi phí 18.441 tỷ đồng. Chủ đầu tư thực hiện là UBND TP Hà Nội.

Tiểu Dự án 1B (nối tiếp với đoạn cao tốc qua Hà Nội): Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường đi bằng hai bên, hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) nằm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. 

Dự án có chiều dài 20 km cấp đường ô tô cao tốc với vận tốc 100km/h; tổng chi phí 3.149 tỷ đồng. Chủ đầu tư là UBND tỉnh Hưng Yên.

Tiểu Dự án 1C (nối tiếp với đoạn cao tốc tại Hưng Yên): Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường đi bằng hai bên, hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia. 

Dự án có chiều dài giải phóng mặt bằng 33 km, cấp đường ô tô cao tốc với vận tốc 100km/h; tổng chi phí 2.952 tỷ đồng. Chủ đầu tư thực hiện dự án là UBND tỉnh Bắc Ninh.

Theo đó, hình thức huy động vốn của cả ba tiểu dự án là ngân sách trung ương và địa phương.

Đối với dự án thành phần 2, nội dung công việc là xây dựng đường đi bằng hai bên, dự án được chia làm ba tiểu dự án, gồm: Tiểu dự án 2A, Tiểu Dự án 2B; Tiểu Dự án 2C.

Tiểu dự án 2A: Xây dựng đường đi bằng hai bên trên địa bàn TP Hà Nội. Tổng chiều dài tiểu dự án 58 km, cấp đường ô tô cao tốc với vận tốc 60-80km/h; tổng chi phí 5.358 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án UBND TP Hà Nội.

Tiểu Dự án 2B: Công tác xây dựng đường hai bên trên địa phận tỉnh Hưng Yên. Tổng chiều dài dự án 20 km, cấp đường ô tô cao tốc với vận tốc 60-80km/h; tổng chi phí 1.412 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là UBND tỉnh Hưng Yên.

Tiểu Dự án 2C: Công tác xây dựng đường bên địa phận tỉnh Bắc Ninh. Tổng chiều dài 33 km, cấp đường ô tô cao tốc với vận tốc 60-80km/h; tổng chi phí 2.629 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là UBND tỉnh Bắc Ninh.

Các tiểu dự án thuộc dự án thành phần 2 có hình thức huy động vốn là nguồn ngân sách của địa phương thực hiện.

Đối với dự án thành phần 3 sẽ tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc có chiều dài tổng thể 111 km (trải dài qua 3 tỉnh thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên), cấp đường ô tô cao tốc với vận tốc 100 km/h; tổng chi phí 60.000 tỷ đồng. 

Chủ đầu tư quản lý dự án là UBND TP Hà Nội. Hình thức huy động vốn là từ nhà đầu tư theo loại hình PPP ký hợp đồng BOT.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hội đồng thẩm định thành phố đã thống nhất với các nội dung trên và đã báo cáo UBND TP Hà Nội tổng hợp, trình Chính phủ hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4.

Trước đó, ngày 3/10, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Theo đó, Hội đồng thẩm định sẽ xem xét 19 nội dung thuộc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo phương thức đối tác công, tư (PPP) như: sự cần thiết đầu tư; lựa chọn hình thức đầu tư; khả năng bố trí vốn nhà nước trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn nhà nước; dự kiến quy mô, thời gian thực hiện dự án; xác định sơ bộ tổng mức đầu tư; đánh giá phương án bồi thường, hỗ trợ dự án…

Các phiên họp thẩm định dự án của hội đồng được tiến hành trong tháng 10. Nếu Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua dự án sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Phương Trang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.