|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Yêu cầu Bộ Công Thương có kịch bản ứng phó chiến tranh thương mại

20:47 | 02/06/2019
Chia sẻ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương đánh giá toàn diện tác động của chiến tranh thương mại, từ đó đưa ra kịch bản ứng phó.

Chiến tranh thương mại và tác động đến Việt Nam là một trong những nội dung nổi bật mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 (ngày 31/5).

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung với diễn biến khó lường là một trong những thách thức lớn nhất.

Cùng với đó, nền kinh tế phải đối mặt với các khó khăn như rủi ro tỷ giá, lãi suất; bất ổn thị trường tài chính, tiền tệ; giá dầu thô và một số hàng hóa có xu hướng biến động mạnh...

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải tỉnh táo trong điều hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm.

"Cần quyết liệt hơn, kịp thời hơn trong một thế giới đầy biến động”, Thủ tướng nói.

Từ đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Từ đó, Bộ này phải đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời để ứng phó.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần có giải pháp đa dạng hóa thị trường, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước...

Yêu cầu Bộ Công Thương có kịch bản ứng phó chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. Ảnh: VGP.

Ngoài Bộ Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế đối với tỷ giá, lãi suất.

Từ đó, NHNN cần có giải pháp kịp thời ứng phó, trong đó có việc tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi với cú sốc bên ngoài...

Thủ tướng yêu cầu cần NHNN kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Từ đó giúp củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn trong chỉ đạo điều hành; chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước để có các đối sách, phản ứng chính sách linh hoạt, hiệu quả.

Ông yêu cầu các thành viên Chính phủ cần vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; tạo nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung 5 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng bình quân 5 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm trở lại đây.

Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thanh khoản tốt, mặt bằng lãi suất ổn định. Thu, chi ngân sách Nhà nước cơ bản được bảo đảm.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 5 tháng tiếp tục khởi sắc với mức kỷ lục (đạt 16,74 tỷ USD) trong vòng 4 năm trở lại đây.

Hà Bùi