|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Yến sào phải đi chính ngạch: [Bài 2] Phát triển theo chuỗi giá trị

09:24 | 23/10/2019
Chia sẻ
Thấy được tiềm năng lớn của xuất khẩu yến sào (tổ yến), nhất là sang thị trường Trung Quốc, Bộ NN-PTNT đang nỗ lực làm việc với cơ quan chức năng.
Yến sào phải đi chính ngạch: [Bài 2] Phát triển theo chuỗi giá trị - Ảnh 1.

Sơ chế yến sào.

Song song với đó là thúc đẩy phát triển ngành yến sào theo hướng liên kết để hình thành các chuỗi giá trị, qua đó đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch, an toàn thực phẩm…

Thị trường lớn nhất

Hiện tại, ngành yến Việt Nam đang hướng tới việc được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bởi đây là thị trường nhập khẩu yến sào lớn nhất thế giới.

Theo Báo cáo Chính sách ngành yến, do Từ Tấn Minh trình bày tại Hội nghị Thượng đỉnh Ngành yến toàn cầu (ngày 18/8/2018 ở Hạ Môn, Trung Quốc), năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch hơn 80 tấn yến (Indonesia 55,4 tấn; Malaysia 25,9 tấn; Thái Lan 0,1 tấn).

Còn theo ông Đàm Thừa Triết, Chủ tịch Bird’s Nest Credit Alliance of Registration and Certification, dự kiến nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc năm 2019 là 180 tấn, 2020 là 220 tấn và 2021 là 300 tấn.

Yến sào cũng đang được giao dịch mạnh ở Trung Quốc với giá trị lớn qua đường thương mại điện tử. Trong 3 năm, từ 2015-2017, giao dịch tổ yến trên mạng xã hội Trung Quốc tăng 30 lần. Năm 2017, doanh thu bán yến trên mạng Alibaba của Trung Quốc đạt khoảng 2 tỷ USD.

Lộ trình xuất khẩu chính ngạch

Theo Cục Thú y, tháng 12/2018, Bộ NN-PTNT đã nộp đơn tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc (TCHQ TQ) xin xuất khẩu sản phẩm yến sào sang nước này. Tháng 2 năm nay, TCHQ TQ đã gửi bảng câu hỏi đánh giá rủi ro đối với các sản phẩm yến sào tới Bộ NN-PTNT Việt Nam.

Sau đó, Bộ NN-PTNT đã hoàn thiện bảng câu hỏi và cung cấp các tài liệu kỹ thuật có liên quan cho TCHQ TQ. Hiện phía Trung Quốc đang tiến hành đánh giá rủi ro trên cơ sở các câu trả lời được cung cấp và các tài liệu liên quan. Dự kiến vào cuối năm nay, Trung Quốc sẽ cử một nhóm chuyên gia đến kiểm tra các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu yến sào tại Việt Nam.

Sau đó, hai bên sẽ đàm phán về các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch đối với việc xuất khẩu các sản phẩm yến sào sang Trung Quốc. 

Dự kiến những bước đi tiếp theo gồm: Ký Nghị định thư và thống nhất mẫu Giấy Chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu; đăng ký doanh nghiệp trên hệ thống mạng của TCHQ TQ; doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc xin cấp phép nhập khẩu sản phẩm yến sào từ các doanh nghiệp Việt Nam đã được TCHQ TQ chấp thuận; khi sản phẩm đến cảng Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ tiến hành kiểm tra và kiểm dịch.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ NN-PTNT phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội để phát triển nghề nuôi yến, đưa ngành yến trở thành một ngành hàng chăn nuôi quan trọng. Phát triển ngành yến phải hình thành chuỗi giá trị, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc, bởi đây là thị trường có tiềm năng rất lớn. Với tiềm năng, lực lượng sản xuất như hiện nay, tin chắc chúng ta sẽ sớm có Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch yến sào sang Trung Quốc

Phát triển chuỗi giá trị

Bà Đỗ Tú Quân, Chủ nhiệm Chi hội Nhà yến Việt Nam (Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam), cho rằng, để xây dựng ngành yến Việt Nam lớn mạnh, đủ tầm vươn ra thị trường quốc tế, xâm nhập thị trường Trung Quốc qua đường chính ngạch, tạo uy tín ở các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, Canada …, việc tập hợp nguồn lực xã hội để xây dựng liên kết sản xuất yến sào theo chuỗi giá trị là rất cần thiết.

Chính vì vậy, Chi hội Nhà yến Việt Nam, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp dịch vụ ngành yến, đang tích cực phối hợp, liên kết hoạt động theo chuỗi giá trị.

Chẳng hạn, Chi hội Nhà Yến Việt Nam đang đánh giá, cấp Giấy chứng nhận Nhà yến Việt Nam uy tín cho các nhà yến đăng ký cung cấp tổ yến tự sản xuất cho các doanh nghiệp thành viên của Chi hội Nhà Yến Việt Nam. Nhà Yến Việt Nam uy tín là nhà yến đáp ứng các điều kiện: Cung cấp môi trường sống phù hợp với đặc tính tự nhiên của chim yến; không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh; tổ yến thu hoạch từ nhà yến đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chi hội Nhà Yến Việt Nam cũng là tổ chức cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia quản lý nhà yến cho các kỹ thuật viên tham gia chăm sóc nhà yến để thu hoạch tổ yến xuất khẩu.

Các nhà yến muốn tham gia cung cấp tổ yến cho các doanh nghiệp thuộc Chi hội Nhà Yến Việt Nam, phải đáp ứng 3 điều kiện sau: Chủ nhà yến là thành viên của Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam; Nhà yến đã được Hội đồng thẩm định Nhà Yến Việt Nam uy tín đánh giá đạt tiêu chuẩn Nhà Yến Việt Nam uy tín; thông tin về quản lý nhà yến và khai thác tổ yến được chủ nhà yến ghi chép đầy đủ vào Sổ theo dõi quản lý nhà yến, chủ nhà yến định kỳ báo cáo cho Chi hội Nhà Yến Việt Nam để lưu thông tin vào hệ thống thông tin quản lý Nhà Yến Việt Nam.

Theo bà Đỗ Tú Quân, hiện nay, rất nhiều nhà yến vẫn chưa quan tâm tới việc đăng ký cung ứng tổ yến cho các doanh nghiệp, vì cho rằng sản phẩm làm ra bao nhiêu cũng tiêu thụ được hết, kể cả hàng xấu. Đây là một quan niệm sai lầm, vì chỉ một phần nhỏ sản lượng tổ yến được tiêu thụ trong nước, phần lớn là xuất khẩu. 

Những nhà yến không đăng ký cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, sẽ không đáp ứng được điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (khi đã có Nghị định thư).

Bài học từ Malaysia cho thấy rõ điều này. Malaysia hiện có khoảng 120 ngàn nhà yến, nhưng chỉ khoảng 2 ngàn nhà đăng ký tham gia cung cấp tổ yến chính ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, hiện chỉ có khoảng 1/10 sản lượng yến sào Malaysia được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. 

Số lớn còn lại đang phải bán sang Trung Quốc qua các con đường bất hợp pháp. Và khi Trung Quốc ra tay chống triệt phá các đường dây nhập lậu yến sào, yến sào ở Malaysia đang rơi vào khủng hoảng vì giá giảm mạnh và khó tiêu thụ.

Để khép kín chuỗi giá trị theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu, Chi hội Nhà Yến Việt Nam đã và đang xây dựng các cơ sở quan trọng như Trung tâm Triển lãm Yến sào Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Yến sào Việt Nam, Trung tâm Kiểm định chất lượng Yến sào Việt Nam, Trung tâm Sơ chế Yến sào Việt Nam …

Ông Hồng Đình Khoa (Hiệp hội Yến sào Việt Nam), cho biết, khi tiếp xúc với các đối tác nước ngoài, trong đó có các doanh nghiêp Trung Quốc, họ đều nhận xét tổ yến Việt Nam không đồng nhất về chất lượng. Và khi họ cần mua với khối lượng lớn, doanh nghiệp Việt Nam lúng túng vì không nắm rõ được sản lượng trong nước, do mọi số liệu đều chỉ là ước lượng.

Để khắc phục những hạn chế ấy, Hiệp hội Yến sào Việt Nam cũng đã tập hợp các nhà yến để xây dựng chuỗi liên kết. Hiện Hiệp hội đang thực hiện bước đi thứ 2 là tiến hành truy xuất nguồn gốc nhằm định vị nhà yến, qua đó nắm chắc được sản lượng, tiến hành phân loại tổ yến được cung cấp từ nhiều nhà yến khác nhau ..

Phải xây dựng thương hiệu

Theo Từ Tấn Minh, trong các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định mua yến sào của người Trung Quốc là giá bán (chiếm 20% sự quan tâm), tiếp đó là thương hiệu (18%), chất lượng (15%), sản phẩm được bình chọn giá rẻ (15%), thương hiệu co số lượng sản phẩm bán ra nhiều (12%), thương hiệu co cửa hàng trưng bày sản phẩm (10%), người nổi tiếng đại diện thương hiệu (5%) và sản phẩm được đăng ký với cơ quan chức năng (5%).

Bà Đỗ Tú Quân, cho biết, người Trung Quốc mua yến sào với 2 lý do chính. Thứ nhất đây là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Thứ hai, tiêu dùng yến sào thể hiện địa vị xã hội.

Vì vậy khi mua yến sào, họ quan tâm nhiều tới thương hiệu. Đây chính là thế mạnh của Việt Nam, bởi từ hàng trăm năm nay, yến sào Việt Nam đã có danh tiếng, được đánh giá tốt.

Các dữ liệu khoa học, dữ liệu đông y, dữ liệu về thói quen sinh hoạt của người Trung Quốc đều ghi nhận yến Việt Nam là tốt nhất thế giới. Do đó, cần phải xây dựng thương hiệu cho yến sào Việt Nam.

Thanh Sơn - Nguyễn Thủy