|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xây dựng chuỗi liên kết cho ngành yến để phục vụ xuất khẩu

06:31 | 28/09/2019
Chia sẻ
Chiều 27/9, tại Tp.Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tổ chức Hội nghị tăng cường quản lý và xây dựng chuỗi liên kết cho ngành yến để phục vụ xuất khẩu tổ yến.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, qua nghiên cứu hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến quản lý gây nuôi chim yến và thực tiễn giám sát ở một số địa phương thì ngành yến hiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, việc gây nuôi còn mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn. Mặc dù nuôi chim yến đã phát triển trở thành một nghề kinh tế có mức tăng trưởng cao ở nhiều địa phương nhưng đối tượng nuôi này lại chưa được điều chỉnh trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020. Do vậy, việc quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn cho người còn chưa được đảm bảo.

Việc quản lý, kiểm soát số lượng chim yến gây nuôi và sản lượng sản phẩm còn chưa chặt chẽ. Hiện việc quản lý mới được thực hiện trên một số cơ sở đăng ký, khai báo nhà yến và ước đạt sản lượng tổ yến thu được. Các cơ sở nuôi chim yến chưa rõ cơ quan cấp phép khi hoạt động.

Bên cạnh đó, việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá. Việc đầu tư vào khâu chế biến còn chưa được chú trọng, chưa có tiêu chuẩn sản phẩm đối với mặt hàng này, nhiều sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao….

Bà Đỗ Tú Quân, Chi hội trưởng Chi hội Nhà yến Việt Nam cũng cho biết: Số lượng chim yến tồn tại trong tự nhiên và nguồn thức ăn là yếu tố quan trọng để nhà yến thành công. Tuy nhiên, hiện nay đang xuất hiện tình trạng xây dựng mới và cải tạo nhà yến một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát về quy mô. Điều này nếu không được kiểm soát sớm sẽ phát sinh những bất cập gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và cho ngành yến Việt Nam mà Malaysia đã trả giá với 80% nhà yến đầu tư không hiệu quả.

Để chống bị ép giá tự nhiên, bà Đỗ Tú Quân cho rằng, các nhà yến cần nâng cao chất lượng tổ yến đạt tiêu chuẩn của người mua, không trộn lẫn hàng khi xuất khẩu. Đồng thời phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tìm giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nhà yến.

Trước những khó khăn, vướng mắc trong phát triển ngành yến hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đang hoàn thiện Nghị định hướng dẫn Luật Chăn nuôi; trong đó có nội dung hướng dẫn quản lý nuôi chim yến để sớm trình Chính phủ. Trong Nghị định sẽ đề cập đến vấn đề chủ cơ sở nuôi chim yến thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp tại cấp có thẩm quyền quy định tại Luật Doanh nghiệp hoặc phải đăng ký doanh nghiệp, những cơ sở không thuộc diện đăng ký doanh nghiệp phải khai báo với UBND cấp xã, nơi có cơ sở nuôi chim yến.

Vị trí xây dựng mới nhà yến phải phù hợp đặc điểm sinh trưởng, phát triển của chim yến và phù hợp với chiến lước phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng chiến lược phát triển chăn nuôi yến hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện, quy định khoảng cách nhà yến với nhà ở của người và khoảng cách với bệnh viện, trường học... 

Văn bản này cũng sẽ đưa ra lộ trình di dời đối với các cơ sở đã xây dựng trước đây mà không đáp ứng các quy định mới và để phù hợp với quy hoạch của địa phương…

Đáng chú ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013 điều khoản xử phạt đối với những cơ sở nuôi chim yến sử dụng nhà ở để dẫn dụ và nuôi chim yến (sai mục đích, mất an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học). Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các cơ sở nuôi chim yến chuyển ra khỏi nội thành, nội thị, chính sách hỗ trợ sơ chế, phát triển thị trường.

Ngoài giải pháp về thể chế, chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng triển khai một số giải pháp khác liên quan đến thị trường, công nghệ, kỹ thuật… nhằm đưa ngành yến phát triển bền vững trong thời gian tới.

H. Chung