Liên kết trồng xoài xuất khẩu
Hiện tại, tỉnh Đồng Tháp là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất ĐBSCL với hơn 9.200ha, tập trung chủ yếu ở hai khu vực là TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh.
Hiện là thời điểm nhà vườn bắt đầu thu hoạch xoài cuối vụ để cung cho thị trường. Hầu hết các hộ trồng xoài ở đây đều áp dụng kỹ thuật bao trái và nhiều nhà vườn đã tập tành mô hình SX theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Ông Võ Việt Hưng, GĐ HTX xoài Mỹ Xương cho biết: Nếu như trước đây, nhà vườn chỉ dựa vào kinh nghiệm, tập quán hay nhờ vào sự hỗ trợ của thuốc BVTV, phân hóa học và các chất kích thích.
Việc trồng xoài có liên kết, áp dụng quy trình SX an toàn, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: SX theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có mã số vùng trồng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu, vậy mới có đầu ra ổn định.
Theo tính toán của những nhà vườn nơi đây, trồng xoài có thể thu lợi nhuận gấp 5-6 lần trồng lúa. Trung bình 1 cây xoài thu hoạch khoảng 100 – 200kg, sau khi trừ hết các chi phí lãi từ 250 - 300 triệu đồng/ha/vụ.
Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Phó GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp, hiện nay nhiều thị trường nhập khẩu yêu cầu nông sản phải được truy xuất nguồn gốc. Để truy xuất được nguồn gốc thì phải được cấp mã số vùng trồng. Thị trường Trung Quốc lâu nay được cho là dễ tính nhưng nay cũng đã có nhiều rào cản kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu từ nước ta.
Vì vậy, muốn tăng xuất khẩu nông sản thì quá trình SX cần phải thay đổi để thích ứng và vượt qua các rào cản đó. Tại vùng trồng xoài Đồng Tháp đã có hơn 100ha được cấp mã số vùng trồng, đa phần những vùng này phục vụ cho xuất khẩu, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc khá thuận lợi.
Cấp mã số vùng trồng là giai đoạn rất quan trọng để có thể tiến đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, gắn chặt với quy trình SX đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu nông sản hiện nay.
Ngoài việc cấp mã số vùng trồng cho xoài, việc bảo quản đóng gói sau thu hoạch để phục vụ xuất khẩu cũng rất quan trọng. Mới đây tại Đồng Tháp đã thành lập Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài đầu tiên ở khu vực ĐBSCL.
Bà Đinh Kim Nhung, GĐ Cty TNHH Kim Nhung (Đồng Tháp) cho biết: Trước đây, Cty chỉ là cơ sở nhỏ chuyên thu mua xoài nguyên liệu từ 15 - 20 tấn/ngày, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình xuất bán, đơn vị đã từng có những lô xoài khi được giao đến khách hàng chỉ 3, 4 ngày sau đã bị hư hỏng.
Lãnh đạo Cty Kim Nhung cho biết, ý thức được tầm quan trọng của quy trình xử lý sau thu hoạch, Cty đã chế tác lại hệ thống rửa quả thanh long để xử lý xoài trước khi đóng thùng. Cty đã đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng để trang thiết bị (hệ thống điện mặt trời, máy rửa xoài, thổi kho, hệ thống băng chuyền, kho lạnh...) dưới sự hỗ trợ từ UNIDO.
Cty Kim Nhung đã mạnh dạn thành lập Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài đầu tiên ở khu vực ĐBSCL chính thức đi vào hoạt động.
Theo bà Nhung, theo quy trình mới, xoài sau khi được phân loại sẽ được rửa trong bồn xử lý mủ. Sau đó cho vào dây chuyền hiện đại bao gồm các khâu rửa xoài bằng nước nóng, xử lý hóa lý, tiếp theo là sấy khô và cuối cùng là dán nhãn, đóng gói. Do đó, xoài có thể bảo quản được trong 25 - 30 ngày đến người tiêu dùng vẫn đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, trung bình mỗi năm Đồng Tháp SX gần 100.000 tấn các loại xoài để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Riêng mặt hàng xoài là 1 trong 5 ngành hàng được tỉnh chọn để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm hướng đến mục tiêu xuất khẩu, ổn định, bền vững.
Để phát triển bền vững ngành hàng xoài, nhiều năm qua địa phương đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho ngành hàng xoài từ việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào SX như cải tạo giống.
Bên cạnh còn xử lý xoài rải vụ quanh năm, áp dụng kỹ thuật bao trái, tập huấn quy trình SX đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và xây dựng nhiều vùng xoài nguyên liệu được SX theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... Nhờ đó, chất lượng xoài không ngừng được nâng lên, thu nhập của người trồng xoài cũng đạt khá cao.
Có thể nói đến thời điểm này trái xoài Việt Nam đã được xuất khẩu vào hơn 40 thị trường trên thế giới như: Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand...
Riêng tại Đồng Tháp, xoài là một trong những loại nông sản thế mạnh được ưu tiên lựa chọn trong xây dựng và phát triển Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/