|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Xung quanh câu hỏi vì sao chứng khoán Việt Nam nằm trong Top giảm mạnh nhất châu Á

16:46 | 14/03/2020
Chia sẻ
Với việc giảm 14,55% tuần qua, chứng khoán Việt Nam ghi nhận là một trong những thị trường giảm mạnh nhất trong khu vực. Đà giảm điểm của thị trường chủ yếu ảnh hưởng từ nhóm Ngân hàng và “họ Vingroup”.
Xung quanh câu hỏi vì sao chứng khoán Việt Nam nằm trong Top giảm mạnh nhất châu Á - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam lọt Top giảm điểm mạnh nhất trong khu vực tuần qua. Ảnh: Lợi Hoàng

Việt Nam lọt Top những thị trường bị bán tháo tuần qua

Tuần giao dịch (9 – 13/2), thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiền đà bán tháo mạnh khiến VN-Index giảm 14,55%, xuống còn 761,78 điểm. Vốn hóa sàn HOSE bốc hơi 443.017 tỉ đồng (tương đương 19 tỉ USD).

Cảnh tượng hàng trăm cổ phiếu giảm sàn trong đó có các mã Bluechip khiến nhà đầu tư ngán ngẩm, không ít người đã hồi tưởng đến đợt bán tháo của thị trường năm 2008.

Xung quanh câu hỏi vì sao chứng khoán Việt Nam nằm trong Top giảm mạnh nhất châu Á - Ảnh 2.

Đà lao dốc của thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung của chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng nói là TTCK Việt Nam đứng Top những thị trường giảm mạnh nhất khu vực châu Á.

Thống kê tại một số thị trường lớn, mức giảm 14,55% của VN-Index chỉ thấp hơn tỉ lệ giảm 17,27% của chỉ số SETI (Thái Lan) và 15,99% của Nikkei225 (Nhật Bản).

Mặc dù là tâm điểm của dịch COVID-19 khu vực châu Á, thị trường chứng khoán Hàn Quốc chỉ giảm 13,17% tuần qua.

Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài xu hướng giảm mạnh của thị trường Thái Lan, một số thị trường khác có mức giảm nhẹ hơn so với TTCK Việt Nam như Singapore (11,04%), Indonesia (10,75%), Malaysia (9,33%).

Chứng kiến những phiên bán ròng mạnh nhất trong ba thập kỉ gần đây, chỉ số Dow Jones của Mỹ ghi nhận mức giảm 10,36%, đóng cửa tuần giao dịch ở 23.185,62 điểm.

Tại nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, chỉ số Shanghai của Trung Quốc cho thấy sự dấu hiệu tích cực khi chỉ mất 4,85% tuần qua, mức giảm thấp hơn rất nhiều so với một số thị trường khác trong khu vực châu Á và trên thế giới. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 8,08% tuần qua.

Như vậy, trong tuần đen tối của chứng khoán toàn cầu, vì đâu TTCK Việt Nam được đánh giá với nhiều điểm tích cực như kinh tế vĩ mô ổn định, điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí có số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các thị trường khác nhưng lại ghi nhận mức giảm hàng đầu trong khu vực?

Sự cộng hưởng của các tin xấu khiến thị trường giảm sâu

Phiên giảm điểm mạnh đầu tuần (9/3) được ghi nhận là phiên giảm mạnh nhất trong 19 năm trở lại đây. Trong bối cảnh này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng việc giảm điểm của thị trường là cộng hưởng của các tin xấu như số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam tăng vọt trở lại, giá dầu thế giới giảm sâu, động thái giảm lãi suất đột ngột của Fed, Nhật Bản công bố dữ liệu vĩ mô kém khởi sắc.

Sau đó, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục ngày 10/3. Tuy nhiên, ba phiên bán tháo mạnh cuối tuần khiến VN-Index mất mốc 800 điểm và có thời điểm giảm về mức thấp nhất 723,42 điểm.

Lúc này, không ít NĐT tỏ ra hoang mang và bi quan về triển vọng của thị trường khi mọi nhận định về sự tạo đáy ngắn hạn của các công ty chứng khoán đưa ra đều bị phá vỡ. VN-Index liên tục thủng đáy mặc dù thị trường được cho là "món hời giá rẻ" với mức P/E thấp.

Với tâm lí ngờ vực của NĐT, ngoài những nguyên nhân trên, Chứng khoán KIS Việt Nam đặt ra nghi vấn về việc áp lực bán giải chấp (Margin Call) trên thị trường.

Nhưng câu hỏi vì sao TTCK Việt Nam lọt Top các thị trường giảm mạnh nhất khu vực vẫn rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác. Thay vì đó, đơn giản hơn là việc xác định những cổ phiếu nào tác động mạnh nhất đến đà giảm của thị trường tuần qua.

Xung quanh câu hỏi vì sao chứng khoán Việt Nam nằm trong Top giảm mạnh nhất châu Á - Ảnh 3.

Theo thống kê từ Bloomberg, hai cổ phiếu VCB và BID khiến VN-Index giảm sâu nhất với mức giảm điểm lần lượt là 14,56 điểm và 13,86 điểm. Tuần 9 – 13/3, giá cổ phiếu VCB và BID giảm lần lượt 15,98% và 25,29%.

Tại nhóm ngân hàng, một số mã khác cũng tác động lớn đến đà lao dốc của thị trường như CTG (giảm 4,17 điểm), TCB (3,87 điểm), VPB (3,57 điểm), MBB (2,45 điểm) và GAS (1,43 điểm).

Ngoài nhóm ngân hàng, "họ Vingroup" cũng tác động lớn đến thị trường. Việc cổ phiếu VIC của Vingroup giảm 11,9% tuần qua khiến VN-Index mất 12,29 điểm. Hai mã VHM và VRE cũng khiến chỉ số giảm 8,67 điểm và 2,91 điểm.

Đà giảm sâu của một số cổ phiếu trụ khác gia tăng áp lực giảm điểm lên thị trường như GAS (giảm 11,4 điểm), SAB (3,47 điểm), BVH (3,16 điểm), VNM (2,58 điểm). Top20 mã tác động lớn nhất thị trường tuần qua còn có PLX, MWG, VJC, HPG, HVN và MSN. Các mã này đều đóng góp 1 – 5 điểm vào mức giảm của thị trường.

Như vậy, thống kê trên cho thấy rằng sức ảnh hưởng của các nhóm vốn hóa lớn như Ngân hàng và "họ Vingroup" đến thị trường là rất lớn. Trong phiên cuối tuần, đà hồi phục của thị trường cũng chủ yếu đến từ hai nhóm này. Tuần giao dịch tiếp theo, việc thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiếp diễn đà hồi phục phụ thuộc vào diễn biến của hai nhóm cổ phiếu chiếm tỉ trọng vốn hóa lớn nhất thị trường này.

Thị trường sẽ còn những đợt sóng lớn, trong đó không ngoại trừ khả năng nhà đầu tư tiếp tục hứng chịu cảnh tài khoản bị bào mòn bởi giá cổ phiếu lao dốc. Do đó, thay vì câu hỏi vì sao thị trường Việt Nam giảm mạnh hơn các nước khác, NĐT cũng nên tập trung vào việc quản trị rủi ro trong đầu tư.

Trên trang cá nhân của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI (Mã: SSI) chia sẻ: "Nước bị ảnh hưởng nhất bời dịch bệnh cúm Vũ hán là Trung quốc, nhưng thị trường chứng khoán giảm điểm ít nhất thế giới kể từ khi xuất hiện dịch bệnh đến nay cũng lại chính là thị trường chứng khoán Trung quốc. 

Sẽ là vô cùng hữu ích nếu chúng ta phân tích và rút ra kinh nghiệm từ những gì họ đã làm, từ hành động của Chính phủ, các bước đi của các cơ quan quản lý thị trường, cách ứng xử của doanh nghiệp cũng như phản ứng của nhà đầu tư.

Tình hình hiện tại thực sự là bài kiểm tra đắt giá về sức chịu đựng cũng như bản lĩnh và khả năng hành động đối mặt với biến cố của mỗi người, của mỗi vị trí!".

Lợi Hoàng

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.