|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Xuất khẩu xi măng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc có thể là một mối lo ngại'

08:02 | 09/01/2021
Chia sẻ
Một trong hai rủi ro mà SSI Research đưa ra là việc xuất khẩu phụ thuộc vào Trung Quốc ngày càng tăng có thể là một mối lo ngại đối với ngành xi măng, đặc biệt là khi chính sách tài khóa tại quốc gia này có thể bị thắt chặt lại trong tương lai.

Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo triển vọng ngành xi măng năm 2021 với nhận định nhu cầu trong nước sẽ phục hồi tích cực, nhưng kênh xuất khẩu có thể chững lại.

Nhóm phân tích ước tính nhu cầu trong nước trong năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng bình thường 5% - 7% so với mức thấp trong năm 2020. Điều này nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng, FDI, và xây dựng bất động sản phục hồi.

Mặt khác, SSI Research nhận định sản lượng xuất khẩu trong năm 2021 sẽ duy trì sự ổn định do nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn tích cực nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp tục diễn ra. 

Tuy nhiên, xuất khẩu sẽ khó đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ như trong năm 2020, do nguồn cung ở Trung Quốc dần ổn định trở lại.

Nhóm phân tích ước tính năm 2021, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clinker sẽ tăng khoảng 2% so với năm 2020.

ssi - Ảnh 1.

Nhu cầu xi măng so với công suất (Đơn vị: trăm nghìn tấn). (Nguồn: Hiệp hội xi măng Việt Nam, SSI Research).

Theo các nhà phân tích, tồn tại hai vấn đề và rủi ro trong triển vọng của ngành xi măng năm 2021. 

Thứ nhất, tỷ suất lợi nhuận ngành có thể bị giảm do công suất và chi phí nhiên liệu tăng. Công suất toàn ngành dự kiến sẽ giảm xuống còn 94% trong năm 2021, so với mức 98% trong năm 2020. Điều này sẽ khiến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường trong nước và ảnh hưởng đến giá xi măng.

Bên cạnh đó, giá than trên thế giới tăng cũng có thể tác động tiêu cực đến tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất xi măng.

Thứ hai, việc xuất khẩu phụ thuộc vào Trung Quốc ngày càng tăng có thể là một mối lo ngại đối với ngành xi măng, đặc biệt là khi chính sách tài khóa tại quốc gia này có thể bị thắt chặt lại trong tương lai. 

Báo cáo cho biết thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 57% sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam và 22% tổng sản lượng tiêu thụ trong năm 2020.

2020: Tăng trưởng xuất khẩu bù đắp mức giảm của nhu cầu nội địa

Nhìn lại năm 2020, điểm nhấn của ngành xi măng chính là tăng trưởng xuất khẩu đã bù đắp cho mức giảm của nhu cầu trong nước. SSI Research ước tính tổng sản lượng tiêu thụ trong năm 2020 sẽ đạt 101,5 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm trước. 

'Xuất khẩu xi măng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc có thể là một mối lo ngại' - Ảnh 2.

Nguồn: Hiệp hội xi măng Việt Nam.

Theo SSI Research, mức giảm trong nhu cầu nội địa đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch COVID-19, đặc biệt là trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, nhu cầu trong những tháng 5 - 11 đã có dấu hiệu phục hồi, với mức giảm thấp hơn, chỉ giảm 2,3% so với cùng kỳ.

SSI Research nhận định, nhu cầu xi măng phục hồi vào thời gian này có thể là do nhu cầu bị dồn nén từ những tháng đầu năm, sự phục hồi của xây dựng dân dụng và đặc biệt là việc đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ trong nước giảm đã kéo theo lợi nhuận ròng của hầu hết các công ty niêm yết sụt giảm trong năm 2020, cụ thể là 9 tháng đầu năm 2020.

'Xuất khẩu xi măng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc có thể là một mối lo ngại' - Ảnh 3.

Lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm do sản lượng tiêu thụ trong nước giảm. (Nguồn: SSI Research).

Theo các chuyên gia, xuất khẩu xi măng tăng trưởng mạnh trong năm 2020 nhờ thị trường Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu có dấu hiệu chững lại trong tháng 10 và tháng 11/2020 với tổng sản lượng giảm nhẹ -2% so với cùng kỳ. 

Theo các nhà phân tích SSI Research, sự sụt giảm nhẹ này có thể là do sản xuất xi măng ở quốc gia này dần hồi phục.

Minh Hằng