|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu trái cây Việt Nam: Tiềm năng lớn nhưng cũng không ít rào cản

14:10 | 06/10/2016
Chia sẻ
Việt Nam có nhiều loại trái cây nhiệt đới hấp dẫn, giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, mặt hàng này cũng gặp không ít khó khăn và rào cản khi xuất khẩu sang các thị trường lớn.

Thị trường trái cây nhiều tiềm năng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 40 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, thanh long chiếm hơn 40% tổng kim ngạch.

Năm 2015, cả nước xuất khẩu hơn 3 tấn trái vải, 100 tấn nhãn sang Mỹ, hơn 1.200 tấn thanh long, trên 10,6 tấn xoài vào thị trường Nhật và hơn 28 tấn trái vải tươi qua Australia.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 1,57 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, năm nay, xuất khẩu rau quả có thể đạt trên 2 tỷ USD.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất của hàng rau quả của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 8 tháng đầu năm nay đạt 1,09 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt về xuất khẩu rau quả vào thị trường này, doanh nghiệp cần có những tính toán lại về cơ cấu của một số loại cây ăn trái. Trong đó, quan trọng nhất là cây thanh long bởi đây là loại trái cây xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam và cũng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc.

Xếp sau là thị trường Hàn Quốcvới giá trị đạt 59,44 triệu USD, tăng 20,0% và Mỹ đứng thứ ba với 54,76 triệu USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước.

xuat khau trai cay viet nam nhieu tiem nang va rao can
Trái cây Việt Nam đang có nhiều tiềm năng xuất khẩu (Ảnh: vietnamexport)

Tính từ đầu năm đến nay, nhiều hợp đồng xuất khẩu trái cây của Việt Nam được kí kết và những lô hàng đầu tiên đã "đặt chân" đến các thị trường khó tính.

Cụ thể, vào tháng 4, một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất của Nhật Bản là Don Kihote đã chính thức bày bán chuối Việt Nam. Để xuất khẩu được vào thj trường này, sản phẩm đã phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe, từ thổ nhưỡng đến quy trình chọn giống, chăm bón, thu hoạch, đóng gói bao bì, vệ sinh thực phẩm, cách xếp trong container...

Vào tháng 6, Việt Nam cũng xuất khẩu nhiều lô vải thiều sang Mỹ, Australia và một số nước khác.

Mỗi năm có trên 10 tấn trái vú sữa Lò Rèn được xuất khẩu sang thị trường Anh, Canada. Cùng với đó, các loại Bơ cơm vàng (Đồng Tháp) và Bơ hồng (Bến Tre) cũng đang được xuất khẩu ra nước ngoài.

Lần gần đây nhất là sau khi được cấp phép vào ngày 21/9, những trái xoài tươi đầu tiên của Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường Úc và bước đầu được bày bán trên sạp hàng của một số cửa hàng, siêu thị ở thành phố Perth.

Lô xoài tươi đầu tiên này có trọng lượng 1 tấn, là loại xoài tượng da xanh Cao Lãnh, do Công ty Agricare Việt Nam xuất khẩu sau khi được Úc chính thức cấp phép, mở cửa cho trái xoài tươi của Việt Nam sau 7 năm đàm phán. Theo Bộ NN&PTNT, nước Úc cũng đang vào mùa xoài, nên lượng tiêu thụ đối với xoài Việt Nam có thể chưa nhiều, Nếu vào dịp trái mùa, tháng 2 năm sau trở đi, xoài Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn bởi vào trái vụ nước này mới chỉ nhập khẩu xoài từ Mexico.

Không chỉ có xoài, thanh long cũng là mặt hàng kế tiếp thâm nhập vào thị trường Úc. Theo kế hoạch, quy trình đánh giá rủi ro cho trái thanh long tươi Việt Nam sẽ được Chính phủ Úc hoàn thành vào cuối năm nay. Nếu được cấp phép, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện nay được cấp phép nhập khẩu thanh long vào thị trường Úc.

Không ít rào cản

Bộ NN&PTNT cho biết, khi hội nhập TPP, xuất khẩu trái cây của Việt Nam được thụ hưởng các cam kết về hàng rào thuế và phi thuế quan nên cơ hội cho trái cây góp mặt ở nhiều thị trường là rất lớn. Tuy nhiên, trên trường quốc tế luôn có quy định nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, không khi nào lơi lỏng và cũng không thể châm chước.

Các chuyên gia cho rằng, trái cây Việt Nam nhiều năm nay không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn: nông dân trồng tự phát, phun xịt thuốc vô tội vạ, phụ thuộc vào thương lái và thị trường Trung Quốc. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng được đơn hàng, vượt qua các rào cản thì sẽ có thị trường ổn định, đơn hàng tốt.

Theo Phòng Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV), rào cản hữu hình quy định kiểm dịch đối với thực vật cũng gây khó khăn cho việc xuất khẩu trái cây. Do địa lý tự nhiên và khí hậu khác nhau nên thành phần các loài sinh vật gây hại được kiểm dịch thực vật đặc biệt chú ý, nhiều quốc gia cũng kiểm tra chặt chẽ hơn. Các nước này, có yêu cầu kiểm dịch thực vật là trái cây tươi phải được chiếu xạ hay xử lý hơi nước nóng trước khi nhập khẩu. Mục đích để ngăn chặn những loại dịch hại nguy hiểm có khả năng đi theo các sản phẩm xuất khẩu vào trong nước nhập khẩu.

Bởi vậy, nhiều mặt hàng trái cây tươi từ các nước nhiệt đới bị đưa vào danh mục cấm tại một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia. Đây là thách thức rất lớn đối với nông sản Việt Nam nói chung trong quá trình tiếp cận, thâm nhập những thị trường này.

Lần gần đây nhất, trước khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, vải thiều được chăm sóc đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, kèm theo được chiếu xạ tại Trung tâm chiếu xạ ở TP Hồ Chí Minh. Trước đó, Việt Nam đã xây dựng bản đồ chiếu xạ với chi phí 0,6-1 USD/kg sản phẩm. Đây là khâu cuối cùng để quả vải lên đường sang sang các thị trường khó tính.

Theo tham tán thương mại Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) cho hay, tiềm năng cho trái cây Việt tại thị trường này rất lớn vì đây là cửa ngõ đưa hàng vào các nuớc Trung Đông và châu Phi. Đây cũng là thị trường rất dễ tính với hàng rào kỹ thuật và yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm không quá khó khăn. Tuy nhiên rào cản lớn nhất lại là chi phí vận chuyển quá cao.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, xuất khẩu rau quả tại thị trường Ấn Độ gặp nhiều rủi ro vì phải chấp nhận phương thức thanh toán trả sau. Ngoài ra, khách hàng Ấn độ thanh toán dạng gối đầu dẫn tới tình trạng, khi khách hàng không tiêu thụ được hàng, doanh nghiệp không thu được tiền.

Đối với thị trường rất lớn quen thuộc là Trung Quốc thì gần đây một số doanh nghiệp nước này đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam phải cung cấp các chứng từ xác nhận doanh nghiệp nằm trong danh sách đã được Bộ đăng ký gửi cho sang thì mới được thông quan. Thực chất, quy định đăng ký nêu trên đã có từ tháng 7/2009, song đến nay vẫn chưa thực hiện và chưa hề có yêu cầu tăng thêm kiểm tra.

Hồng Vũ