Xuất khẩu tôn mạ có thể giảm trong năm 2025
Theo dự báo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường tôn mạ nội địa Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định trong thời gian tới, trong khi xuất khẩu có khả năng giảm trong quý IV. Cụ thể, sản lượng tôn mạ trong nước quý IV được dự phóng đạt 1,3 triệu tấn, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng sản lượng nội địa cả năm 2024 có thể đạt 2,4 triệu tấn, tăng 16,5%, trong khi xuất khẩu đạt 3 triệu tấn, tăng 36,5%.
Tuy nhiên, năm 2025, thị trường xuất khẩu dự kiến gặp nhiều thách thức do Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn nhập từ Việt Nam. Cùng với đó, sự suy giảm tiêu thụ thép toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng. VDSC dự báo sản lượng xuất khẩu sẽ giảm 5% xuống còn 2,88 triệu tấn, trong khi thị trường nội địa dự kiến tiếp tục tăng trưởng 10%, đạt 2,65 triệu tấn.
Trong tháng 9, gói kích thích kinh tế của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tác động tích cực đến ngành thép, với giá HRC tại Trung Quốc tăng 12% kể từ đầu tháng.
VDSC kỳ vọng giá HRC trong quý IV sẽ dao động từ 530 – 580 USD/tấn, quay trở lại mức giao dịch của quý II.
Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo của một doanh nghiệp thép lớn cho biết nhu cầu thép sẽ tốt dần lên. Tuy nhiên, vẫn còn một ẩn số là ai sẽ đắc cử tổng thống Mỹ và điều này rất quan trọng.
"Chính sách thương mại của Mỹ tác động lên toàn cầu. Chính sách đối ngoại và thương mại của hai ứng cử viên này hiện vẫn chưa rõ ràng", vị này cho hay.
Ngoài ra, ông cho biết thêm thời gian gần đây nước này liên tục điều tra chống bán phá giá với thép nhập khẩu. Do đó, dù ai đắc cử thì Mỹ vẫn sẽ thực hiện biện pháp này, chỉ có điều mức thuế suất là bao nhiêu hiện nay vẫn là ẩn số.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng sản lượng tiêu thụ tôn mạ ở thị trường nội địa trong quý III đạt 629.433 tấn, giảm 1,4% so với quý trước nhưng tăng 23,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1,76 triệu tấn, tăng 21%.
Trong đó, miền Bắc duy trì mức tăng trưởng vượt trội trong quý III với 207.678 tấn, tăng 2,5% so với quý trước và 41,5% so với cùng kỳ, phản ánh sự phục hồi tốt của thị trường bất động sản khu vực này.
Miền Nam, dù vẫn là khu vực tiêu thụ lớn nhất, nhưng mức tăng so với cùng kỳ chỉ đạt 365.270 tấn, giảm 3,2% so với quý trước và tăng 18,6% so với cùng kỳ.
Miền Trung có mức tăng trưởng thấp nhất với 56.485 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ nhưng giảm 3,8% so với quý trước.
Về xuất khẩu, quý III đạt 785.422 tấn, giảm 4,7% so với quý trước nhưng tăng 39,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu đạt 2,39 triệu tấn, tăng 45,9%. Dù xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng so với năm trước, tỷ trọng xuất khẩu so với thị trường nội địa đang có xu hướng giảm, chỉ chiếm 50% trong tháng 9, khi giá thép thế giới trong quý III không thuận lợi.
Sau thông tin về chính sách hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc, giá HRC tại Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu tăng trở lại, trong khi giá tại các thị trường nhập khẩu như Bắc Mỹ và Bắc Âu chỉ tăng nhẹ hoặc đi ngang. Sự chênh lệch biên độ giữa thị trường thép của các khu vực này với Việt Nam không gia tăng, duy trì ở mức thấp. VDSC cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận xuất khẩu của các doanh nghiệp tôn mạ trong nửa cuối năm.