|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 6 ghi nhận mốc tăng trưởng dương đầu tiên

17:43 | 19/07/2023
Chia sẻ
VASEP cho biết xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc & Hong Kong đã lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương kể từ đầu năm nay với 59 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết trong tháng 6, xuất khẩu tôm đạt 328 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Mức giảm 21% trong tháng 6 đã thấp hơn so với mức giảm của ba tháng trước đó, từ 28 đến 35%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 1,5 tỷ USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Về thị trường tiêu thụ, VASEP cho biết xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc & Hong Kong đã lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng dương kể từ đầu năm nay với 59 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ sụt giảm cũng đã nhẹ dần kể từ tháng 3.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 239 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2022.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc trong tháng 6 lại tiếp tục giảm hai con số.

Theo đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 6 đạt 71 triệu USD, giảm 23% so với tháng 6/2022, đây cũng là mức giảm thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Lũy kế nửa đầu năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 299 triệu USD, giảm 38% so với cùng kỳ. VASEP kỳ vọng giá tôm nhập khẩu vào Mỹ đã tạo đáy và mức tiêu thụ tôm sẽ tăng vào dịp cuối năm.

“Thị trường Mỹ và Trung Quốc có xu hướng tương tự nhau trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước đó và mức sụt giảm trong từng tháng cũng nhẹ dần. Hai thị trường này được coi là tia hy vọng cho xuất khẩu tôm nửa cuối năm nay”, VASEP nhận định.

 (Số liệu: Cục Xuất nhập khẩu, VASEP, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Ngoài ra, xuất khẩu tôm sang thị trường EU từ tháng 3 đến tháng 6 đều ghi nhận mức giảm trên 40% và hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm sang EU đạt 193 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ.

VASEP nhận định xung đột Nga-Ukraine cùng với lạm phát gia tăng, đồng EUR mất giá, người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm… là những nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này chậm. Người dân chọn thực phẩm giá rẻ, tôm cỡ nhỏ hơn, các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào, cố gắng bán ra để giải phóng hàng tồn kho và hạn chế lỗ.

Bên cạnh đó tại thị trường EU, tôm Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Ecuador do nguồn cung nguyên liệu của Ecuador dồi dào, giá tốt. Tôm Ecuador chiếm lĩnh thị trường EU ở khúc thị phần sản phẩm chế biến trung bình và khá, tôm Việt Nam chỉ giữ được ưu thế ở phân khúc cao cấp.

Còn với thị trường Nhật Bản, xuất khẩu tôm trong tháng 6 cũng ghi nhận giảm 35%, mức giảm sâu nhất từ tháng 3 đến nay. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 236 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ.

VASEP cho biết tại thị trường Nhật Bản, tôm Việt cũng phải cạnh tranh “khốc liệt” với tôm Ấn Độ và Ecuador. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 4 tháng đầu năm nay, Nhật Bản có xu hướng giảm nhập khẩu tôm từ Việt Nam và tăng mua hàng của Ấn Độ, Ecuador.

Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản những tháng đầu năm nay còn gặp khó khăn do đồng yên sụt giá mạnh. Đến đầu tháng 7, đồng yên đã giảm quá mạnh, 145 yên cho mỗi USD khiến việc tiêu thụ tôm vào thị trường này gặp khó khăn vì giá bán phải giảm theo đà giảm của đồng yên.

Tương tự, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc trong tháng 6 giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 166 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ.

VASEP cho rằng lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng, người dân chi tiêu tiết kiệm, tồn kho nhiều là những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm.

Đi ngược xu hướng với 5 thị trường trọng điểm, xuất khẩu tôm sang một số thị trường nhỏ ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái như Australia tăng 9%; Anh tăng 23%; Đài Loan tăng 20%; Thụy Sỹ tăng 86%.

VASEP nhận định nhu cầu thị trường, giá tôm nguyên liệu và xuất khẩu đều đi xuống, lạm phát tăng, cạnh tranh mạnh với các nguồn cung đối thủ khiến xuất khẩu tôm của nước ta gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm nay.

Doanh nghiệp và bà con nuôi tôm vẫn đang kỳ vọng vào những tín hiệu tích cực hơn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu tôm trong nửa cuối năm nay.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Sao Ta nhận định xuất khẩu tôm từ tháng 7 trở đi dù chưa thể phục hồi so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tỷ lệ sụt giảm kỳ vọng sẽ thu hẹp dần.

Trong bối cảnh “khó chồng khó” hiện tại của ngành tôm, bài toán lúc này là làm sao thuyết phục được người nuôi tôm an tâm thả giống nuôi tới đây, điều này đòi hỏi sự chung tay của cả chuỗi ngành hàng và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước.

Hoàng Anh