|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành tôm Ecuador đối mặt với khủng hoảng chưa từng có vì giá giảm

17:32 | 18/07/2023
Chia sẻ
Các nguồn tin trong ngành cho biết ngành tôm Ecuador đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có do giá giảm trên toàn thế giới.

Trang Undercurrent News dẫn lời ông Jose Antonio Camposano, người đứng đầu Phòng Nuôi trồng Thuỷ sản Quốc gia của Ecuador (CNA), sự suy giảm tiêu dùng và các yếu tố khác như chi phí vận chuyển tăng, tình trạng mất an ninh trong nước đã đẩy giá xuống mức đáng báo động. Thậm chí giá xuống dưới mức khi xảy ra đại dịch COVID-19 năm 2020.

Điển hình như giá tôm nguyên con (HOSO) của Ecuador trung bình ở mức 4,1 USD/kg đối với tôm cỡ 20-30 con/kg, giảm sâu so với mức 5,5 USD/kg hồi quý IV/2022. 

Giá tôm thẻ chân trắng của Ecuador từ tuần 26/2022 đến tuần 28/2023. Nguồn: Undercurrent News (Việt hoá: H.Mĩ)

Ngành tôm Ecuador cũng đang đối mặt với những thách thức do mở rộng nuôi tôm trái phép dẫn đến cung vượt cầu.

Trong những năm gần đây, ngành tôm nước này đã có sự tăng trưởng đang kể nhưng cũng có nhiều cuộc tranh cãi nổ ra. Ecuador đã có các quy định về nơi được phép sản xuất tôm nhưng có trường hợp xây dựng trang trại ở những khu vực bị cấm. 

“Việc mở rộng trái phép gần đây đã làm hoen ố hình ảnh của ngành tôm Ecuador, gây thiệt hại đáng kể cho những người sản xuất bền vững trong nhiều năm, đồng thời, tạo áp lực lên giá cả. Tình trạng dư thừa nguồn cung tôm đã khiến giá giảm. 

Cuối cùng, thị trường sẽ đạt đến điểm mà các nhà sản xuất nhận ra rằng giá hiện tại không đảm bảo lợi nhuận và họ cần phải giảm quy mô. Điều này dẫn đến nguồn cung sẽ giảm xuống mức hợp lý và khi đó giá tăng lên”, một nhà sản xuất tôm tại tỉnh Manabi, ven biển miền trung Ecuador cho biết. 

Trong khi một số người cho rằng việc tăng sản lượng là cần thiết để đáp ứng nhu cầu càng tăng, tuy nhiên, những người khác đặt câu hỏi về tính bền vững của chiến lược này. Trên thực tế, nhu cầu từ Châu Âu, Mỹ tương đối ổn định, nếu không muốn nói là khá trì trệ trong những năm gần đây.

“Sự phục hồi của Trung Quốc được xem như phao cứu sinh đối với ngành tôm của Ecuador”, một nhà sản xuất tôm của Ecuador nhận định. 

Để giải quyết tình trạng cung vượt cầu, một số quốc gia như Ấn Độ, đã sử dụng các khoản trợ cấp của chính phủ để hỗ trợ những người nuôi tôm. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp bền vững và cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của thị trường. Một số nhà nuôi tôm cho rằng cách duy nhất, khả thi và lâu dài đó chính là sản xuất ở quy mô phù hợp với nhu cầu của thị trường. 

 Việc xem xét tác động của yếu tố tự nhiên cũng rất quan trọng. Thế giới đang chứng kiến những hiện tượng thời tiết cực đoan, làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực. Những yếu tố này cũng cần được chú ý nhằm đảm bảo tương lai ổn định của ngành tôm. 

Ngoài ra, giới chức cũng cần kiểm soát chặt việc xây dựng trang trại tôm trái phép. 

Theo CNA, ngành tôm cũng đang phải đối mặt với với những thách thức về khả năng cạnh tranh. Chi phí hoạt động gia tăng, chẳng hạn như tiền lương lao động, giá nguyên liệu; cùng với tình trạng mất an ninh đã tác động đáng kể đến lợi nhuận của ngành. Theo ước tính của CNA, ngành tôm của Ecuador năm nay thua lỗ hơn 1 tỷ USD.

Ông Camposano chia sẻ những con số đáng báo động này nêu bật sự cần thiết về các biện pháp cụ thể đảm bảo cho sự tồn tại và ổn định của cộng đồng nuôi tôm Ecuador. Các biện pháp cải thiện năng lực cạnh tranh bao gồm sử dụng năng lượng hiệu quả, tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, thúc đẩy đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động. 

Ngoài ra, ông cho rằng chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành tôm vượt qua khủng hoảng kinh tế bằng cách chính sách tài chính, thuế quan…

Đồng thời, chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ thực hiện các chương trình nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ.

H.Mĩ

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.