Xuất khẩu tiêu có thể sôi động trở lại trong quý I/2023?
Áp lực từ dịch bệnh, lạm phát
Theo số liệu thống kê từ Tổng Cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam tháng 11 đạt 16.275 tấn, trị giá 60,3 triệu USD, giảm 7,5% về lượng và giảm 9,4% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 0,6% về lượng và giảm 20,5% về trị giá.
Tính chung 11 tháng, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 208.173 tấn, trị giá 896,9 triệu USD, giảm 15,4% về lượng, nhưng tăng 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ai Cập và Pakistan… đều giảm so với năm 2021 do nhu cầu bị ảnh hưởng bởi chính sách Zero COVID của Trung Quốc, xung đột giữa Nga - Ukraine dẫn đến lạm phát tăng cao tại nhiều nước và sự mất giá đồng tiền của các nước nhập khẩu so với USD.
Tháng 11 giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu tiếp tục giảm 2,1% so với tháng trước và giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2021, xuống còn 3.706 USD/tấn. Đây cũng là mức giá thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng giá xuất khẩu tiêu của Việt Nam vẫn tăng 22,2% so với cùng kỳ, đạt bình quân 4.308 USD/tấn nhờ giá tăng mạnh trong 3 quý đầu.
Trao đổi với người viết, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết lạm phát đang ảnh hưởng đến sức mua tại các thị trường tiêu thụ chính đặc biệt là tại EU và Mỹ.
“Mọi chi phí sinh hoạt đều tăng lên và người dân có xu hướng thắt lưng buộc bụng. Người Mỹ cũng ít đi ăn hàng, ăn tiệc hơn vì giá thực phẩm và dịch vụ đều tăng. Điều này ảnh hưởng lớn đến các khách hàng nhập khẩu tiêu của Việt Nam. Khi tốc độ tiêu thụ hàng chậm lại, doanh nghiệp nhập khẩu buộc phải mua hàng từ từ” bà Liên nói.
Bên cạnh đó, trong năm qua, thị trường Trung Quốc đóng cửa phòng dịch COVID-19 khiến hoạt động xuất khẩu tiêu bị giảm sút. Đây là một trong những nước tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất thế giới và là khách hàng lớn thứ hai mặt hàng tiêu của Việt Nam nhưng nước này chủ yếu nhập khẩu tiêu đường tiểu ngạch.
Năm nay, do ảnh hưởng bởi chính sách “Zero COVID” nên xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch cũng thấp hơn nhiều so với các năm trước, trong khi các biện pháp phong toả để chống dịch của Trung Quốc khiến nhu cầu tiêu thụ của người dân nước này giảm mạnh.
“Trước đây khi chưa xảy ra dịch bệnh, mỗi tháng Trung Quốc nhập khẩu trung bình 50.000 – 60.000 tấn tiêu Việt Nam. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, nước này theo đuổi chính sách Zero Covid khiến lượng nhập khẩu chỉ còn khoảng 1.000 tấn/tháng. Con số này quá ít”, bà Liên cho biết.
Luỹ kế 11 tháng, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 18.354 tấn tương đương khoảng 9% tỷ trọng.
“Trong năm 2023, chúng tôi mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường ngách. Nếu đa dạng được thị trường, các doanh nghiệp có thể tránh những rủi ro khi xảy ra các sự cố ở thị trường tiêu thụ chính; Trung Quốc là bài học điển hình”, bà Liên nói.
Bà Liên cho rằng những tháng quý I, hoạt động giao dịch tiêu của Việt Nam sẽ sôi động hơn vì vừa kết thục vụ thu hoạch, tiêu còn mới. Đến quý III và IV, khách hàng sẽ tìm đến các nước như Brazil và Indonesia để mua vì đây là thời điểm thu hoạch tiêu của hai nước này.
Sức ép đến từ thị trường Brazil
Ông Nguyễn Tấn Hiên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu đồng thời Phó Chủ tịch VPA chi sẻ tại cuộc họp ban chấp hành hiệp hội hồi tháng 7, trong thời gian tới, khả năng Brazil có thể sẽ chiếm các thị trường quan trọng của Việt Nam là điều hoàn toàn có thể nếu Brazil thay đổi công nghệ để khắc phục ETO (Ethylene oxide).
Bà Liên cho biết áp lực cạnh từ thị trường Brazil hiện hữu khi trong những năm gần đây, nước này đẩy mạnh sản lượng để dần theo kịp Việt Nam. Năm 2023, dự kiến sản lượng của Brazil đạt 100.000 tấn.
“Brazil có lợi thế về đất đai phì nhiêu, rộng rãi, có thể phát triển quy mô lớn. Bên cạnh đó, giá đất ở đây rất rẻ, nhà nước khuyến khích người dân canh tác, không giống như Việt Nam, chi phí đát rất đắt. Vấn đề của Brazil hiện nay là tiêu nhiễm Salmonella và các chất cấm khác nên EU kiểm tra rất gắt gao, tần suất kiểm tra 50% tức 2 lô hàng thì kiểm tra 1 lô.
Tuy nhiên, nếu nước này đầu tư có thể khắc vấn đề này và khi đó có thể tăng thị phần ở các thị trường bị “trói”. Trước mắt họ phải xuất sang các nước khác trong đó có Việt Nam để sử dụng dịch vụ khử chất cấm sau đó xuất khẩu đi”, bà Liên nói.
Theo số liệu của VPA, Việt Nam nhập khẩu gần 11.034 tấn tiêu từ Brazil, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và đứng thứ hai về thị trường nhập của Việt Nam, sau Campuchia. Con số này tương đương khoảng 1/3 tổng lượng tiêu cả nước nhập khẩu.
Ông Nguyễn Vũ Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư XNK Phúc Thịnh cho biết thực tế khách hàng Mỹ không quan tâm đến vấn đề tiệt trùng khi mua hàng vì họ hoàn toàn có thể tự xử lý theo công nghệ của họ. Việc xử lí ETO cũng không quá phức tạp, do đó việc Brazil thay đổi công nghệ để xử lý ETO là điều hoàn toàn khả thi.
Mặc dù vậy, bà Liên cho rằng sức ép từ thị trường Brazil sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu thay đổi để phát triển.
“Trong thương trường luôn có cạnh tranh. Nếu không có cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ không phát triển được, đấy là quy luật của thị trường. Nếu không cải thiện thì bị đào thải”, bà Liên nói.