Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng mạnh 71%
Sau khi đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2022.
Số liệu mới được công bố của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ, thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của nước ta trong quý I đã tăng mạnh 70,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kỷ lục 574,4 triệu USD.
Qua đó góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lên mức 2,5 tỷ USD trong quý I, tăng 45,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ trong năm 2021 cũng tăng mạnh 27% so với năm 2020, đạt 2 tỷ USD và là con số cao nhất từ khi xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Mỹ đang có xu hướng tăng.
Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng 557.991 tấn thủy sản với giá trị hơn 5 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2022, tăng 13,8% về lượng và tăng tới 38,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Việt Nam đứng thứ 3 về khối lượng thủy sản xuất khẩu vào Mỹ sau Trung Quốc và Ấn Độ với 51.125 tấn, tăng mạnh 18,2% so với cùng kỳ và chiếm 9,2% thị phần thủy sản nhập khẩu vào Mỹ. Giá trị xuất khẩu tương ứng đạt hơn 345 triệu USD, tăng 44,6%.
2 tháng đầu năm nay, 40% lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ là cá da trơn, 22% là tôm, 19% là cá ngừ và 19% còn lại là các loại thủy sản khác.
Với cá da trơn, Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp cá da trơn lớn nhất vào Mỹ, chiếm gần 90% tỷ trọng với 20.612 tấn, trị giá 71,3 triệu USD, tăng 8,7% về lượng và tăng 50,3% về trị giá so với cùng kỳ.
Còn với mặt hàng tôm, khối lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong 2 tháng đầu năm đạt 11.351 tấn, tăng 9,5%. Việt Nam hiện đứng thứ 4 về xuất khẩu tôm vào Mỹ sau Ecuador, Indonesia và Ấn Độ với với tỷ trọng chiếm 7,5% trong tổng khối lượng tôm nhập khẩu của Mỹ.
Lượng cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ cũng tăng mạnh 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9.680 tấn. Qua đó đưa Việt Nam lên vị trí đứng thứ 2 về xuất khẩu cá ngừ vào Mỹ sau Thái Lan.
Đáng chú ý, 2 tháng đầu năm nay, Mỹ tăng lượng cá ngừ nhập khẩu từ Việt Nam nhưng lại giảm nhập khẩu từ các đối thủ cạnh khác như Thái Lan (-11,9%), Indonesia (-4,1%), Mexico (-20,4%)… Điều này cho thấy cá ngừ của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh tại Mỹ so với các nhà cung cấp khác.
Dự báo xu hướng tăng sẽ tiếp tục
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam. Dự báo sự phục hồi và nhu cầu tiêu thụ mạnh của thị trường Mỹ vẫn tiếp tục trong nửa đầu năm nay.
Giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng lên mức từ 30.000 - 32.000 đồng/kg thúc đẩy giá xuất khẩu trung bình tăng.
Sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát lần thứ 17 và mới nhất là kết quả cuối cùng POR17 thuế chống bán phá giá với cá tra phile đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, thêm doanh nghiệp cá tra Việt Nam được hưởng mức thuế 0% sang thị trường Mỹ, do đó VASEP dự báo giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Với mặt hàng tôm, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. Thị trường Mỹ mở cửa trở lại hậu COVID-19, nhu cầu nhập khẩu thủy sản, trong đó có tôm, tiếp tục tăng cao.
VASEP dự báo xuất khẩu tôm sang Mỹ năm 2022 sẽ tiếp tục tăng nhờ sự hồi phục nhu cầu của chuỗi phân phối các sản phẩm dùng trong ngành nhà hàng - khách sạn - bếp ăn công nghiệp (chuỗi HORECA) tại Mỹ, cùng thế mạnh trong chế biến.