|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản quý II sẽ tiếp tục tăng trưởng, doanh nghiệp tham vọng lãi đậm

16:48 | 19/04/2022
Chia sẻ
Đại diện VASEP cho rằng xuất khẩu thủy sản quý II sẽ tiếp tục khả quan khi nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc… tăng bật sau hai năm dồn nén bởi COVID-19. Sau khi lãi đậm ở quý I, các doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn, Sao Ta kỳ vọng lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng hai con số.

Doanh nghiệp kỳ vọng lãi lớn trong năm 2022

Bất chấp căng thẳng chính trị làm gián đoạn xuất khẩu thuỷ sản sang Nga và Ukraine, chi phí vận tải, nguyên vật liệu tăng nhưng xuất khẩu thủy sản quý I vẫn tăng trưởng khả quan 40% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2,4 tỷ USD, theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (VASEP).

Riêng trong tháng 3, xuất khẩu thuỷ sản sang các thị trường chính vẫn duy trì tăng trưởng cao. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ tăng 42%, sang Trung Quốc tăng 77%, sang EU tăng 37%, Hàn Quốc tăng 23%.

Với những tín hiệu tích cực này, trao đổi với người viết, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO cho rằng xuất khẩu thủy sản trong tháng 4 và quý II sẽ tiếp đà tăng trưởng khi nhu cầu tiêu thụ ở thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc,… tăng bật sau hai năm dồn nén bởi COVID-19.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho rằng xuất khẩu thủy sản quý I đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay, báo hiệu một năm xuất khẩu thủy sản có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt. 

Thực tế, xuất khẩu thủy sản quý I tăng trưởng mạnh đã giúp kết quả kinh doanh và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành khởi sắc, điển hình như hai “ông lớn” Vĩnh Hoàn và Sao Ta.

Mới đây, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 3 với tổng doanh thu đạt 1.373 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, kết quả tăng trưởng mạnh trên chủ yếu do sự phát triển trong tất cả các sản phẩm gồm cá tra tăng 93%, sản phẩm phụ tăng 46%, sản phẩm sức khỏe tăng 87% và các sản phẩm khác tăng lên 685%. Sản phẩm bánh phồng tôm tăng 46%, gạo tăng 15% và giá trị gia tăng sản phẩm tăng 19%.

Về thị trường xuất khẩu, tăng trưởng doanh thu của VHC ở trên tất cả các khu vực như tại thị trường Mỹ tăng 161% so với cùng kỳ năm ngoái, EU tăng 27%, Trung Quốc tăng 71% và Việt Nam tăng 100%.

Lũy kế quý I, tổng doanh thu của VHC đạt 3.225 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2022, VHC đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 13.000 tỷ đồng tăng 44% so với năm ngoái và lãi trước thuế đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 36%.

 Xuất khẩu cá tra chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Ở mảng xuất khẩu tôm, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) cũng là một doanh nghiệp có kết quả kinh doanh nổi bật trong ngành.

FMC cho biết trong tháng 3 sản xuất tôm thành phẩm đạt 1.960 tấn tăng 31,6% so với tháng 3/2021; nông sản thành phẩm đạt 270 tấn, tăng 2,2 lần. Hoạt động nuôi tôm của doanh nghiệp cũng ổn định trong tháng 3.

Doanh số trong tháng 3 đạt 18,5 triệu USD tăng khoảng 6% so với cùng kỳ. Công ty cho biết tháng này có khách hàng yêu cầu chuyển giao hàng qua tháng 4 nên doanh số tăng không cao.

Lũy kế 3 tháng, doanh số tiêu thụ của FMC đạt 58,7 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, FMC vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022. Theo đó, mục tiêu doanh thu Fimex đạt ra khoảng 5.290 tỷ đồng, tăng 11,3%; lợi nhuận trước thuế khoảng 320 tỷ đồng, tăng 10,7% so với thực hiện 2021.

Trước tin vui của các doanh nghiệp, VASEP cho rằng khi hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại đã trở lại trạng thái bình thường, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam có cơ hội tham gia các hội chợ thuỷ sản quốc tế để kết nối và mở rộng khách hàng.

Ngoài yếu tố nhu cầu thị trường, đây là động lực cho xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng trong tháng 4 và quý II, doanh nghiệp mở rộng thị trường, gia tăng lợi nhuận.

Chi phí sản xuất, cước vận tải vẫn là bài toán cố hữu

Xuất khẩu khởi sắc, doanh thu tăng trưởng hai con số giúp các doanh nghiệp lấy lại phong độ sau năm 2021 đầy vất vả. Tuy nhiên, những thách thức như chi phí sản xuất, cước vận tải, rủi ro COVID-19,... vẫn là bài toán khiến doanh nghiệp đau đầu trong năm nay.

Bà Lê Hằng lưu ý rằng kim ngạch xuất khẩu tăng cao một phần là nhờ giá thuỷ sản  xuất khẩu tăng. Đó là một tin vui nhưng theo bà cũng phải nhìn ra nguyên nhân đằng sau đó, chi phí đầu vào cao buộc các nhà nhập khẩu phải chấp nhận mua với giá cao trong khi lợi nhuận các nhà xuất khẩu cũng bị thu hẹp.

"Trong bối cảnh bão giá thức ăn chăn nuôi, chi phí đầu vào, tỷ suất lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp không được như mong đợi. Bởi thẳng thắn mà nói, tốc độ tăng giá xuất khẩu không thể bằng tốc độ chi phí sản xuất, bán hàng”, bà Hằng chia sẻ.

Bà cho rằng trong khi các nhà sản xuất Việt Nam đang phải cạnh tranh với các đối thủ khác như Ecuador, Ấn Độ,… về nguồn cung và giá thành, các nhà quản lý cần sớm có biện pháp kiểm soát giá cả đầu vào, nếu không doanh nghiệp sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

 Xuất khẩu thủy sản quý II được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng. (Ảnh: TTXVN)

Cũng chia sẻ về việc giá thành sản xuất, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết căng thẳng Nga - Ukraine khiến mọi chi phí đều “té nước theo xăng”.

“Khi chi phí sản xuất tăng sẽ kéo theo giá thành sản xuất, giá thủy sản xuất khẩu tăng, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát trên toàn thế giới, điều này ảnh hưởng đến dung lượng thị trường, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Mặt khác, khi giá dầu tăng sẽ đưa giá vận chuyển lên mặt bằng mới, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu và nhà nhập khẩu”, ông Hòe nói.

Ngoài những bài toán cố hữu như chi phí sản xuất, giá cước vận tải, thẻ vàng IUU... các doanh nghiệp  còn phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, ảnh hưởng nhu cầu tiêu dùng hàng thủy sản toàn cầu, khiến nhu cầu nhập khẩu của một số quốc gia chậm lại, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Ở một khía cạnh khác, khi dịch COVID-19 trên toàn cầu dần được kiểm soát, hoạt động nuôi trồng thủy sản dần phục hồi, nguồn cung tăng lên sẽ tạo áp lực cạnh tranh trên thị trường, giá thủy sản có khả năng giảm trong thời gian tới.

Phạm Mơ