|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thủy sản quý I dự báo tăng trưởng 15%

08:17 | 01/03/2022
Chia sẻ
VASEP cho rằng xuất khẩu trong tháng 2 và những tháng tới tiếp tục ghi nhận những kết quả khả quan. Theo đó, xuất khẩu thuỷ sản trong quý I năm nay có thể sẽ mang về khoảng 2 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), tháng 1, xuất khẩu thuỷ sản mang về 872 triệu USD, ghi nhận doanh thu cao kỷ lục tháng đầu của các năm. Mức tăng trưởng 44% báo hiệu một năm khởi sắc của ngành thuỷ sản.

VASEP kỳ vọng việc đơn hàng nhiều sẽ giúp doanh nghiệp thuỷ sản dần dần giải quyết được bài toán thiếu lao động và nguyên liệu để tận dụng được cơ hội trong năm nay.

"Với sự lạc quan đó, chúng tôi tin rằng xuất khẩu trong tháng 2 và những tháng tới tiếp tục ghi nhận những kết quả khả quan. Theo đó, xuất khẩu thuỷ sản trong quý I năm nay có thể sẽ mang về khoảng 2 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước", VASEP nhận định.

Tiếp tục đà hồi phục từ 2 tháng cuối năm 2021, các doanh nghiệp thuỷ sản đã đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loài thuỷ sản thế mạnh.

Theo đó, xuất khẩu tôm chân trắng tăng 39%, xuất khẩu tôm sú tăng 92%. Tổng xuất khẩu tôm mang về 313 triệu USD, tăng 43%.

Xuất khẩu cá tra tăng 78% mang về gần 214 triệu USD, cá ngừ tăng 108% với kim ngạch 88 triệu USD. Mực tăng 57% và bạch tuộc tăng 31%, tổng kim ngạch 2 loài này tăng 45% đạt 63 triệu USD...

Sản xuất, chế biến thuỷ sản gần như đã trở lại bình thường như trước dịch. Nhu cầu của các thị trường đang rất cao, các doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng. 

Giá nguyên liệu trong nước cũng tăng, nên cả bà con nông ngư dân và doanh nghiệp đều lạc quan vào một năm bội thu, tất cả đều đang phấn khởi tích cực sản xuất.

Với gần 200 triệu USD, Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng chi phối 23%. Mỹ tăng mạnh nhập khẩu các sản phẩm thuỷ sản từ Việt Nam: tôm tăng 61%, cá tra tăng 92%, cá ngừ tăng gấp hơn 3 lần, các loài cá khác tăng gần 30%...

Theo tin từ Seafoodsource, lạm phát gia tăng và giá thủy sản tăng đột biến đã làm giảm doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 1. Tuy nhiên, đó không phải là tin xấu đối với ngành thủy sản. 

Doanh số bán thủy sản đông lạnh chỉ giảm 1% trong tháng, vẫn là mặt hàng bán chạy nhất trong danh mục protein động vật đông lạnh. Sự gia tăng các ca COVID-19 chủng mới càng làm cho chuỗi cung ứng gián đoạn, các phân khúc thị trường đều thiếu hàng. Do vậy, nhu cầu thuỷ sản nhập khẩu sẽ tiếp tục gia tăng.

Sau khi giảm nhẹ trong năm 2021, xuất khẩu sang Nhật Bản trong tháng 1 năm nay đã hồi phục 21% với 134 triệu USD. Trong đó, 40% là sản phẩm tôm với 54 triệu USD, tăng 23%. Nhật Bản cũng tăng mạnh nhập khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam với mức tăng trưởng 55%.

Nhật Bản là thị trường số 1 với các sản phẩm cá biển xuất khẩu của Việt Nam. Trong tháng qua thị trường này đã nhập khẩu 57 triệu USD các loại cá biển, tăng 14%. Trong đó, các doanh nghiệp Việt xuất khẩu chủ yếu là cá hồi – là sản phẩm được nhập khẩu nguyên liệu để gia công, xuất khẩu cho thị trường này.

Dù xuất khẩu tôm sang Trung Quốc vẫn giảm 16% nhưng xuất khẩu cá tra và mực, bạch tuộc đã trở lại mạnh mẽ với con số tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc đã hồi phục 64% với 62 triệu USD.

Với 69 triệu USD nhập khẩu từ Việt Nam, thị trường Hàn Quốc vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn Trung Quốc. Trong đó xuất khẩu 2 sản phẩm chính là tôm và mực bạch tuộc tăng 33% và 18%.

Các thị trường Australia và Canada đều tăng mạnh nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam, tăng lần lượt 29% và 85%, trong đó tăng ở tất cả các sản phẩm chính.

Xuất khẩu thuỷ sản sang khối EU tăng 70% đạt 108 triệu USD. Trong đó, các thị trường lớn trong khối đều tăng rất mạnh nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam: Đức tăng 28%, Bỉ tăng 85%, Pháp tăng 131%...

Tín hiệu vui là xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này đang bứt phá mạnh mẽ, tăng 70%, tôm tăng 79%, cá ngừ tăng 81%, mực bạch tuộc tăng 90%...

H.Mĩ