|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thuỷ sản khó phục hồi trong nửa còn lại năm 2023

17:04 | 21/06/2023
Chia sẻ
Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp thủy sản, từ nay tới cuối năm, thị trường tiêu thụ thủy sản khó có thể phục hồi, hoặc nếu có thì sẽ phục hồi chậm.

Xuất khẩu thuỷ sản tiếp đà giảm

Ngành thuỷ sản Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 5, đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp chế biến, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cá tra, tôm - hai mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thuỷ sản Việt Nam. 

Trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 808 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng qua, hoạt động xuất khẩu mặt hàng này đem về 3,4 tỷ USD, giảm sâu hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chính trong 5 tháng đầu năm nay đều giảm từ 10-40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá tra giảm sâu nhất (-40%), tôm giảm 34%.

 Số liệu: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU, Trung Quốc ghi nhận giảm sâu. Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ, EU giảm lần lượt 48% và 33%, sang Trung Quốc giảm 25%...

  Số liệu: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Doanh thu của Vĩnh Hoàn, công ty xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước, trong tháng 5 giảm 37% so với cùng kỳ xuống 954 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ mặt hàng chủ đạo là cá tra giảm 43% xuống 592 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận 4.074 tỷ đồng doanh thu, giảm 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Số liệu: Vĩnh Hoàn (H.Mĩ tổng hợp)

Giá cá tra vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Tính đến ngày 16/6, giá cá tra tại khu vực Đồng Tháp ở mức 26.500 đồng/kg, giảm từ mức 30.000 đồng/kg hồi giữa tháng 5, theo dữ liệu từ Tép Bạc. 

 Số liệu: Tép Bạc (H.Mĩ tổng hợp)

Với Sao Ta, doanh nghiệp đứng thứ ba về xuất khẩu tôm, cũng ghi nhận lượng tiêu thụ tôm thành phẩm giảm sâu 39% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 948 tấn. Doanh số chung trong tháng 5 đạt gần 11 triệu USD giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty đã hoàn tất thu hoạch tôm ở khu nuôi cũ 320 ha và chuẩn bị thả nuôi khu mới có diện tích hơn 200 ha.

Theo VASEP, ngành thuỷ sản, đặc biệt là tôm đang cạnh tranh căng thẳng với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá, điển hình là Ecuador, Ấn Độ…

Theo CTCP Chứng khoán VNDirect, nhu cầu tiêu dùng thủy sản suy yếu do lạm phát cao, lượng hàng tồn kho cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhập khẩu thủy sản của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Tồn kho tại thị trường này vẫn ở mức cao nên các nhà nhập khẩu phải giảm hoặc ngừng đặt hàng mới trong những tháng cuối năm 2022 và kéo dài sang đầu năm 2023.

“Nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là chi phí đầu vào cao, giá bán thấp, nông dân và doanh nghiệp nuôi bỏ ao, sẽ dẫn đến hệ lụy là khi thị trường hồi phục thì không còn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, và lại một lần nữa thủy sản Việt lại mất vị thế trước các nước khác”, VASEP nhận định. 

Thị trường chưa thể kỳ vọng cú phục hồi mạnh

Trong bức tranh ảm đạm của thị trường thuỷ sản, một số tín hiệu tích cực cũng bắt đầu xuất hiện. Điển hình như trong tháng 5, dù kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây lại là tháng cao nhất từ đầu năm đến nay, tăng 9% so với tháng 4.

Ngoài ra, giá tôm nguyên liệu cũng bắt đầu tạo đáy sau 5 tháng lao dốc. Tính đến ngày 19/6, giá tôm thẻ chân trắng ở mức 88.000 đồng/kg, tăng so với mức thấp nhất gần 1 năm ghi nhận hồi cuối tháng 5 là 83.800 đồng/kg. 

Tuy nhiên, từng đó tín hiệu dường như là chưa đủ cho một đợt phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn. 

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP nhận định những biến động về cung – cầu xuất phát từ căn nguyên là chiến tranh và lạm phát, đến nay chưa có tín hiệu khả quan, nên việc dự báo về thị trường cũng thiếu cơ sở và độ chắc chắn.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp thủy sản, từ nay tới cuối năm, thị trường tiêu thụ thủy sản khó có thể phục hồi, hoặc nếu có thì sẽ phục hồi chậm.

Hiện tại, tình hình kinh tế ở các thị trường tiêu thụ thuỷ sản chính của Việt Nam vẫn còn khá chậm. 

Điển hình như tại Trung Quốc, trong tháng 5, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của nước này giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều xuất khẩu, kim ngạch giảm 7,5%, cao hơn nhiều so với dự báo chỉ giảm 0,4%. 

Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc cho thấy hoạt động của các nhà máy trong tháng 5 cũng suy giảm nhanh hơn dự kiến. Mặc dù tăng trưởng quý I của Trung Quốc vượt kỳ vọng, nhưng các nhà phân tích vẫn hạ dự báo tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm 2023 do sản lượng của các nhà máy có chiều hướng chậm lại.

Trung Quốc trong tiềm thức của mọi người là điểm đến tiềm năng trong năm 2023, sau khi nước này mở cửa lại sau COVID-19. 

Tuy nhiên, sau gần nửa năm, sự hồi phục của thị trường này vẫn ì ạch, thậm chí xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang đây bị sụt giảm gần 30% trong 5 tháng đầu năm 2023. 

Thực tế không như mọi người dự đoán, vì sau 3 năm kiểm soát chặt giao thương chống COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng bị ảnh hưởng khá nặng nề, thu nhập của người dân giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Do đó, nhu cầu tiêu thụ thực tế trong nước chưa thể phục hồi trong ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc cần tập trung cho việc khôi phục sản xuất và ngành chế biến xuất khẩu thủy sản của họ.

Mặc dù vậy, bà Hằng cho rằng nửa cuối năm, có thể diễn biến của thị trường này sẽ khả quan hơn so với đầu năm, khi người dân Trung Quốc thích nghi hơn với bối cảnh mới, lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn và tiêu dùng cơ bản sẽ hồi phục dần dần.

Ở một số thị trường lớn như Mỹ, EU, ngoài việc trông đợi tình hình kinh tế và lạm phát có chiều hướng tích cực hơn, thì vấn đề lớn là phải giải quyết được lượng tồn kho. 

Năm 2022 những thị trường này đã nhập khẩu ồ ạt, chưa kịp tiêu thụ đã gặp ngay cú sốc lạm phát, nên hàng tồn nhiều, giá bán hạ. 

Bên cạnh đó, cơn lốc hàng giá rẻ của các nước khác như Ecuador và Ấn Độ gần như lấn át sản phẩm của Việt Nam tại những quốc gia này, nhất là mặt hàng tôm – sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Do vậy, tín hiệu thị trường không mấy khả quan trong ngắn hạn.

Trong báo cáo mới đây, VNDirect nhận định: “Chúng tôi cho rằng tổng khối lượng nhập khẩu thủy sản của thị trường Mỹ nói chung sẽ tiếp tục giảm trước khi phục hồi trong nửa cuối năm 2023, kể từ mức đáy của nửa đầu năm 2023”.

 

H.Mĩ