Xuất khẩu thép nửa cuối năm kém khả quan vì thiếu động lực từ thị trường Trung Quốc
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong tháng 7, xuất khẩu thép các loại đạt 503 nghìn tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 7 tháng, đó xuất khẩu đạt 4,1 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng doanh số xuất khẩu sụt giảm đáng kể do do nhu cầu HRC và phôi thép từ Trung Quốc đã giảm.
VCBS dự báo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn ngành thép như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim sẽ tiếp tục kém khả quan trong nửa cuối năm 2022 do sản lượng tiêu thụ sụt giảm, giá bán lao dốc và đặc biệt lượng hàng tồn kho lớn sẽ tạo áp lực tới biên lợi nhuận trong những quý tới.
Giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng giá thấp trong nửa cuối năm 2022 do nhu cầu thép chưa hồi phục do thị trường nhà ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu ấm lên khi số nhà xây mới liên tục sụt giảm.
Mặt khác, thuế tự vệ của Việt Nam với ngành thép và chính sách hủy bỏ hoàn thuế xuất khẩu thép của Trung Quốc đã làm độ tương quan giữa thép thanh xây dựng giữa Trung Quốc và Việt Nam giảm đi đáng kể, tạo nên một hàng rào chắn lưu thông thép giữa hai quốc gia.
Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép cần giải phóng lượng lớn hàng tồn kho hiện hữu. Cùng với đó, giá nguyên, nhiên vật liệu giảm mạnh trong nửa cuối 2022 sẽ kéo dài đà giảm của giá thép.
Trong chu kỳ giảm giá, Hòa Phát với lợi thế cạnh tranh lớn về chi phí sản xuất sẽ tận dụng cơ hội để gây áp lực lớn lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất bằng lò điện bằng cách hạ sâu giá bán.
Giá thép thanh tại Việt Nam có mức độ tương quan lên tới 90% với giá thép phế, cao hơn rất nhiều với giá thép Trung Quốc hay các nguyên vật liệu đầu vào như quặng sắt hay than cốc.
VCBS nhận định trong kịch bản cơ sở khi giá thép phế ở mức trung bình 380 USD như hiện nay, Hòa Phát có thể hạ giá bán xuống mức 540 USD/tấn, tương đương 12,5 triệu đồng/tấn. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục giảm, giá thép có thể tìm đến vùng giá thấp hơn nữa.