|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xuất khẩu tạo đà cho doanh nghiệp gỗ tăng trưởng

20:09 | 14/05/2022
Chia sẻ
Không chỉ kín đơn hàng đến hết quý III/2022, một số doanh nghiệp gỗ cũng đã chốt xong đơn hàng hết năm 2022. Các doanh nghiệp này được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhờ xuất khẩu khả quan trong năm nay.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại Công ty Triệu Phú Lộc (Bình Dương). (Ảnh minh họa: TTXVN).

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Vifores), kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2022 đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2022 có thể tăng từ 5 - 8%.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh cho biết, nhờ vào các hiệp định như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã thuận lợi đưa đơn hàng ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác.

Phó Chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.Hồ Chí Minh cho biết thêm, thời gian qua, các mặt hàng nội thất bằng gỗ xuất khẩu đều tăng mạnh, dẫn đầu là nội thất phòng khách, phòng ăn, tiếp theo là nội thất phòng ngủ. Về thị trường, ngoài Mỹ, Canada và Australia đang là những thị trường tốt cho Việt Nam.

Qua kết quả khảo sát tại 100 thị trường của Trung tâm Nghiên cứu công nghiệp Italy (CSIL), năm 2022, thị trường đồ gỗ toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4%. Trong số thị trường, các thị trường thuộc châu Âu và châu Á sẽ có sự tăng trưởng mạnh nhất về tiêu thụ đồ gỗ. Về thị trường chủ đạo của ngành gỗ Việt Nam là Bắc Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Bên cạnh đó, bức tranh xuất khẩu gỗ trở càng trở nên "tươi sáng" nhờ thông tin hỗ trợ từ Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu của đề án hướng tới giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và đạt 25 tỷ USD vào năm 2030.

Trên cơ sở này, các doanh nghiệp gỗ niêm yết cũng đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu trong thời gian tới. Chẳng han, Công ty Chế biến Gỗ Đức Thành đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2022 sẽ tăng mạnh 48% so với cùng kỳ lên 500 tỷ đồng. Về cơ cấu doanh thu xuất khẩu dự kiến tăng 48% lên 425 tỷ đồng, tiếp tục là nguồn đóng góp chính khi chiếm 85% kế hoạch doanh thu thuần.

Về phía Công ty Phú Tài, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Dầu Khí (PSI) dự báo doanh thu gỗ từ thị trường Mỹ tăng trưởng lần lượt 25% và 20% trong giai đoạn 2022 - 2023 khi các đơn đặt hàng từ thị trường này tiếp tục tăng do các khách hàng lớn tiếp tục chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các nhà sản xuất gỗ tại Việt Nam có chứng chỉ FSC và doanh nghiệp Phú Tài đáp ứng được điều kiện đó.

Đồng quan điểm này, Công ty Chứng khoán MB (MBS) ước tính khi Phú Tài hoàn thành và đưa vào hoạt động nhà máy Phù Cát số 3 vào năm 2023, công suất chế biến gỗ sẽ đạt 102.050 m3/năm, tăng 59,8% công suất so với năm 2020, từ đó đưa mức doanh thu gỗ đạt mức tăng trưởng kép (CAGR) lên 16,19% trong giai đoạn 2023 - 2026.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, một số doanh nghiệp gỗ có thể phải đối mặt với biến động từ đại dịch COVID-19 và gần đây là căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Việc này làm chặn nguồn cung gỗ nguyên liệu của Nga ra thế giới, làm cho giá gỗ nguyên liệu của châu Âu tăng trong khi Việt Nam đang nhập khẩu từ hai nguồn chính là châu Âu và Bắc Mỹ. Cùng với đó, giá sơn và chất phủ bề mặt gỗ cũng đang tăng theo giá xăng dầu.

Để chủ động ứng phó với biến động giá nguyên liệu đầu vào, Gỗ Đức Thành đã chủ động tăng hàng tồn kho với giá ưu đãi từ các nhà cung cấp. Cụ thể, tồn kho hiện tại khá lớn ở mức từ 5.000 - 6.000 m3 so với tổng lượng sử dụng năm 2021 là 11.684 m3. Mặt khác, doanh  nghiệp chỉ cần trả trước 30%, đồng thời lưu hàng tồn kho này tại kho của nhà cung cấp.

Theo quan điểm của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), hàng tồn kho chi phí thấp hiện tại sẽ giúp trung hòa xu hướng lạm phát giá hàng hóa gần đây. Qua đó, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Gỗ Đức Thành và bảo vệ tốt biên lợi nhuận ròng của doanh nghệp. Hiện đơn hàng của doanh nghiệp tăng được thúc đẩy tuân thủ các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) chặt chẽ, giúp đảm bảo nhiều đơn đặt hàng hơn và có được thêm khách hàng mới, đặc biệt là từ châu Âu và Mỹ.

Riêng về phía các doanh nghiệp gỗ chủ yếu nhập gỗ nguyên liệu từ Nam Mỹ, châu Phi như Phú Tài sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc Nga cấm xuất khẩu các sản phẩm gỗ. Theo Vìores, tính chung 2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi đạt 187.450 m3, với trị giá 68,52 triệu USD, tăng 28% về lượng và tăng 30,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Hướng tới xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ bền vững phục vụ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch Quốc gia ngành lâm nghiệp Việt Nam; trong đó, sẽ tập trung rà soát, đánh giá diện tích đất lâm nghiệp và rừng trồng sản xuất hiện có, tạo vùng nguyên liệu tập trung, đủ lớn; gắn với quy hoạch các cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ.

Trên sàn giao dịch, đóng cửa phiên cuối tuần 13/5, cổ phiếu ngành gỗ đang bị ảnh hưởng bởi diễn biến tiêu cực của toàn thị trường. Cổ phiếu GDT của Công ty Chế biến Gỗ Đức Thành ở mức 47.500 đồng/đơn vị, cổ phiếu PTB ở mức 95.500 đồng/cổ phiếu và thị giá cổ phiếu ACG của Công ty Gỗ An Cường là 64.600 đồng/cổ phiếu.

Diệp Anh