Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng mạnh
Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng 78,8%
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 5, xuất khẩu sầu riêng các loại của Việt Nam đã thu về gần 920 triệu USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến hơn 93% tổng xuất khẩu với kim ngạch đạt 857,8 triệu USD, tăng 78,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 582.624 tấn sầu riêng tươi trong 5 tháng đầu năm với trị giá gần 2,9 tỷ USD, tăng 8,7% về lượng và 7,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, nhập khẩu từ Thái Lan, nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc giảm 2,5% xuống còn 2,2 tỷ USD. Ngược lại, nhập khẩu từ Việt Nam tăng 61% lên mức 661,1 triệu USD.
Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục đứng thứ hai về xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc với thị phần chiếm 23% so với mức 15% của cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài hai nguồn cung kể trên, Trung Quốc còn nhập khẩu sầu riêng từ Philippines nhưng khối lượng không đáng kể.
Với việc cả Thái Lan và Việt Nam đều đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng, giá xuất khẩu loại trái cây này vào thị trường tỷ dân đã giảm khoảng 25 – 30% trong hai tháng trở lại đây.
Tính chung 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vào Trung Quốc đạt bình quân 4.125 USD/tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn tới 1.096 USD/tấn so với đối thủ chính cạnh tranh chính là Thái Lan.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh.
Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này.
Sầu riêng cũng là chủng loại quả xuất khẩu chính trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu của Việt Nam. Việc đẩy mạnh xuất khẩu chủng loại trái cây này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu chủng loại quả của Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm 2024.
Mặc dù vậy, sự gia tăng đột biến trong xuất khẩu đã gây ra những vấn đề chất lượng. Điều này khiến Trung Quốc phải áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với sầu riêng Việt Nam.
Trang Produce Report đưa tin, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã quyết định tạm dừng nhập khẩu sầu riêng từ 15 nhà máy đóng gói và 18 vườn cây ăn trái bắt đầu từ ngày 12/6. Nguyên nhân là do phát hiện hàm lượng "kim loại nặng" vượt quá quy định an toàn thực phẩm trong loại quả này.
GACC đã yêu cầu Việt Nam tiến hành điều tra để xác định nguyên nhân và kêu gọi các nhà máy đóng gói và vườn cây ăn quả có liên quan thực hiện các biện pháp để ngăn chặn các vấn đề tương tự tái diễn.
Trước đó, vào tháng 3 năm nay, GACC cũng đã đưa ra cảnh báo về mức cadmium vượt quá mức cho phép trong khoảng 30 lô hàng sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam.
Thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc
Bên cạnh các vấn đề về kiểm soát chất lượng, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Ngày 19/6 vừa qua, Trung Quốc và Malaysia đã đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ bằng việc ký hàng loạt thỏa thuận, trong đó có các thỏa thuận phát triển và xuất khẩu sầu riêng. Theo đó, Trung Quốc đồng ý cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi từ Malaysia sau khi đảm bảo yêu cầu kiểm dịch thực vật.
Malaysia là một trong những nhà sản xuất sầu riêng lớn nhất thế giới, trước đây nước này chỉ xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.
Việc Malaysia được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc sẽ khiến cuộc đua xuất khẩu sầu riêng vào thị trường tỷ dân này thêm khốc liệt. Trước đó, chỉ có 3 nước được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc là Thái Lan, Việt Nam và Philippines.
Còn theo trang Khmer Times, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia đang đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc xuất khẩu chính thức sầu riêng Campuchia sang Trung Quốc.
Năm ngoái, các thương nhân Trung Quốc đã đến kiểm tra các vườn sầu riêng ở Campuchia và được cho là rất hài lòng với hương vị cũng như chất lượng của loại trái cây này.