Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng đường biển lên ngôi khi cửa khẩu tê liệt
Đường biển lợi nhưng khó
Dù nông sản xuất khẩu qua đường bộ đang gặp khó khăn nhưng hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu đường biển sang Trung Quốc vẫn bình thường.
Khi thanh long vào vụ thu hoạch rộ, thay vì đổ dồn lên các cửa khẩu, gây ùn ứ cục bộ thì một số HTX, doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu thanh long bằng đường biển.
Đơn cử như ở thủ phủ thanh long Bình Thuận, trong khi nhiều nông dân, doanh nghiệp đang đứng ngồi không yên vì các chợ biên giới, cửa khẩu phụ phía Trung Quốc tạm ngừng giao dịch khiến giá thanh long giảm chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg thì ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ vẫn thu mua cho người dân, đóng gói và xuất hàng sang Trung Quốc theo đường biển.
Ông Hiệp cho biết: "Trước đây HTX cũng xuất khẩu bằng đường cửa khẩu nhưng vài năm gần đây phương thức này chưa thực sự ưu việt nên liên kết với doanh nghiệp, chuyển hẳn sang đi đường biển.
Bên cạnh đó, giá cước đường biển rẻ hơn đường bộ nên được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch lựa chọn".
Trung bình mỗi tháng HTX xuất khẩu khoảng 500 – 1.000 tấn thanh long, trong đó 50% sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây Trung Quốc siết chặt quy định kiểm dịch khiến lượng hàng xuất khẩu giảm một nửa.
"Giá thanh long rớt mạnh, hầu như các doanh nghiệp, HTX và nông dân đều lỗ, không có lợi nhuận. HTX vẫn thu mua cho bà con nhưng không dám mua nhiều vì tiềm ẩn rủi ro quá cao", ông Hiệp nói.
Thực tế, phương thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bằng đường biển đang cho thấy lợi thế trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng này.
Chia sẻ với người viết, ông Vũ Trọng Tuệ, Tổng Giám đốc Tân Nam Chinh Việt Nam Cold Logistics cho biết: "Đối với container 40 feet, giá xuất khẩu theo đường bộ dao động khoảng 75 – 80 triệu trong khi đường biển chỉ dưới 30 triệu đồng, thấp hơn 2,5 lần.
Bên cạnh đó, thời gian hàng hóa cập bến chỉ mất khoảng 7 ngày trong đó 4 ngày tàu chạy, 3 ngày làm thủ tục thông quan, bốc dỡ hàng hóa. Với thời gian này, vận chuyển bằng đường biển tương đương, thậm chí nhanh hơn khi các cửa khẩu đang ùn ứ".
Theo ông Tuệ, doanh nghiệp xuất khẩu theo đường biển buộc phải theo phương thức chính ngạch, có thỏa thuận, hợp đồng từ trước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, HTX mới chỉ nghĩ làm sao để bán được hàng nhưng chưa tính đến làm sao để có lãi và tối ưu chi phí.
"Chuyển đổi từ tiểu ngạch sang chính ngạch là quá trình chuyển đổi về tư duy của các chủ hàng.
Tư duy kinh tế phải gắn với chuỗi, doanh nghiệp không thể ôm đồm tất cả các khâu trồng, sơ chế, xuất khẩu… khi chưa thông thạo thủ tục, ngoại ngữ và các vấn đề thuế, thương mại quốc tế.
Do đó, doanh nghiệp chỉ nên dừng lại ở một góc nào đó và liên kết với các đơn vị để tăng tính chuyên nghiệp", ông Tuệ nói.
Dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ở các cung đường sang châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, logistics đường biển của Việt Nam và Trung Quốc vẫn khá thuận lợi.
Vì vậy, ông Tuệ cho rằng doanh nghiệp cần thay đổi phương thức vận chuyển phù hợp, giúp hạn chế chi phí và đảm bảo lợi nhuận.
Cửa khẩu tê liệt
Sau hơn nửa tháng thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh, hoạt động hàng hóa đã dần ổn định trở lại. Mỗi ngày khoảng 300 container hàng nông sản, chủ yếu là hoa quả tươi được xuất khẩu sang nước bạn.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng trăm container vẫn còn ùn ứ, chưa được thông quan, hàng trăm container khác đang bị mắc kẹt ở nước bạn sau khi xuất hàng.
Trao đổi với VTV, ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Phía nước bạn chỉ có khoảng 70 lái xe chuyên trách so với lưu lượng hàng hóa thông quan khoảng 200 – 250 xe/ngày thì lực lượng còn thiếu rất nhiều.
Chúng tôi kiến nghị với phía bạn cho lái xe chuyên trách của Việt Nam sang Trung Quốc để đánh xe không của chúng ta về".
Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang… đều chịu tác động lớn, đặc biệt với hàng hóa theo phương thức tiểu ngạch, trao đổi cư dân biên giới.
Trao đổi với người viết, ông Võ Huy Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cho biết: "Xuất khẩu thanh long theo đường cửa khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Tính đến 6/9, số lượng phương tiện ùn tắc, không xuất được lên đến 1.000 xe, tương đương 20.000 tấn nông sản.
Doanh nghiệp đang phải cõng thêm rất nhiều chi phí, khó cầm cự được nếu tình hình này kéo dài. Cụ thể, trước đây bình quân chi phí một chuyến hàng ra cửa khẩu khoảng 57 triệu đồng, nay tăng lên khoảng 70 triệu đồng".
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong năm 2020 giảm 2,5% so với năm 2019 xuống 8 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp xuất khẩu nhóm hàng này sang Trung Quốc suy giảm.
Những quy định nhập khẩu hàng hóa trong thời gian gần đây cho thấy Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính... Tuy nhiên, đây vẫn là khách hàng lớn, khó bỏ của doanh nghiệp Việt Nam.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/