Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng nhờ rau quả
Năm 2016 sẽ là năm đầu tiên xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước đạt trên 31 tỉ đô la Mỹ, trong đó, rau quả là điểm sáng đáng chú ý góp phần vào thành công này, theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Thông tin trên được ông Lê Quốc Doanh nêu ra tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy nghiên cứu chuyển giao công nghệ và khuyến nông phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp” được tổ chức tại Cần Thơ vào hôm nay, 8-12.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước trong 11 tháng đầu năm 2016 ước đạt 29,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 13,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo dự báo của ông Doanh, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước năm 2016 ước đạt trên 31 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 550 triệu đô la Mỹ so với năm 2015. Đây là kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay mà ngành đạt được.
Theo ông Doanh, ngoài mặt hàng tôm, rau quả là lĩnh vực có mức tăng trưởng tốt nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỉ đô la Mỹ, tăng 500 triệu đô la Mỹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Trao đổi thêm với TBKTSG Online bên lề hội thảo này, ông Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường thuộc Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri), cho biết dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2016 đạt 2,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 700 triệu đô la Mỹ so với năm 2015 (1,8 tỉ đô la Mỹ).
Theo ông Lập, trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu của các ngành khác đang có dấu hiệu chựng lại, thậm chí sụt giảm mạnh như lúa gạo, thì với việc rau quả tăng liên tục trong 10 năm gần đây cho thấy đây là ngành có nhiều triển vọng để phát triển.
Về cơ cấu thị trường, theo ông Lập, đa phần rau quả được xuất khẩu sang Trung Quốc. “Nhưng, gần đây chúng ta cũng đã mở cửa được một số thị trường cao cấp, chẳng hạn, xoài, vú sữa bán sang Mỹ; Đài Loan mở cửa trở lại cho trái thanh long ruột đỏ; Nhật nhập xoài; Úc, New Zaeland nhập xoài, nhãn và vải”, ông cho biết.
Theo ông Lập, chính việc mở cửa và xuất khẩu vào được một số thị trường cao cấp như trên đã giúp giá trị xuất khẩu trái cây nói riêng và rau quả nói chung tăng cao vì thị trường cao cấp có giá trị rất cao.
Tuy nhiên, theo ông Doanh, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam được dự báo sẽ gặp không ít khó khăn trong thời gian tới, nhất là khi các nước nhập khẩu ngày càng có xu hướng nâng cao các tiêu chuẩn lên. “Ngoài ra, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp không có gì đột biến vì ngân sách có hạn cũng là những thách thức rất lớn”, ông cho biết.
Đứng trước vấn đề này, ông Doanh cho rằng khoa học công nghệ là cách đi ngắn nhất và hiệu quả nhất trong thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp gia tăng xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Trong khi đó, theo ông Lập, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư, có chiến lược xây dựng và phát triển các ngành, lĩnh vực hỗ trợ có liên quan trong xuất khẩu rau quả như nhà máy chiếu xạ, kho lạnh bảo quản…