|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu HRC giảm sâu hơn 65% trong tháng 5

10:07 | 25/06/2024
Chia sẻ
Xuất khẩu thép HRC trong tháng 5 tiếp tục lao dốc khi giảm tới hơn 65% so với cùng kỳ xuống mức 134.211 tấn. Nói cách khác, con số này chỉ bằng khoảng 1/3 của tháng 5/2023.

Tiêu thụ thép HRC giảm mạnh  

Theo số liệu Hiệp hội Thép Việt Nam, bán hàng thép cuộn cán nóng (HRC) trong tháng 5 đạt 521.767 tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ ba liên tiếp bán hàng thép HRC suy giảm. Trong khi đó, mức nền của cùng kỳ năm ngoái đã rất thấp do thị trường suy yếu. 

 Nguồn: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Xuất khẩu thép HRC tiếp tục lao dốc khi giảm tới hơn 65% so với cùng kỳ xuống mức 134.211 tấn. Nói cách khác, con số này chỉ bằng khoảng 1/3 của tháng 5/2023.

Giá thép HRC bình quân trong tháng 5 giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 551 USD/tấn. 

 Nguồn: VSA, Australia News (H.Mĩ tổng hợp)

Trong khi đó, sản lượng thép HRC trong tháng 5 đạt 577.973 tấn. Như vậy tồn kho thép HRC tăng thêm 56.206 tấn. 

HRC là sản phẩm thép công nghiệp quan trọng, nền tảng, nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất công nghệ cao khác như sản xuất ô tô, đóng tàu, công nghiệp cơ khí chế tạo, đồ gia dụng, kết cấu thép, tôn mạ, ống thép, vỏ container,…

Hiện tại, Việt Nam mới có doanh nghiệp sản xuất thép cuộn cán nóng là Hoà Phát và Formosa. Trong đó, công suất thiết kế của Formosa là khoảng 5 triệu tấn/năm còn Hoà Phát hiện khoảng 3 triệu tấn. Như vậy sản lượng tối đa hiện tại khoảng 8 triệu tấn HRC trong khi nhu cầu trong nước khoảng 11 triệu tấn. Phần thiếu hụt còn lại, các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ các nước trong đó, điển hình là Trung Quốc. 

Việc tiêu thụ HRC những tháng gần đây giảm mạnh trong bối cảnh nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu vẫn đang suy yếu khi ngành bất động sản chưa phục hồi, nền kinh tế nhiều nước cũng vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc. 

Bên cạnh đó, sức ép đối với thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam vẫn lớn. Theo số liệu của của Tổng Cục Hải quan, lượng thép nhập khẩu  từ Trung Quốc cao gấp hơn 2 lần so cùng kỳ năm ngoái lên 1,1 triệu tấn. Đồng thời đây là mức cao kỷ lục tính theo tháng. Thị trường này cũng chiếm tới hơn 70% lượng nhập khẩu thép của Việt Nam trong tháng 5.

Giá thép  nhập khẩu bình quân trong tháng 5 là 638 USD/tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này thấp hơn hơn 100 USD/tấn so với giá trung bình mà Trung Quốc xuất khẩu  sang tất cả thị trường khác. 

Luỹ kế 5 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu hơn 4,7 triệu tấn thép từ Trung Quốc, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong đó, theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, xét theo giá trị, 70% thép nước này xuất khẩu sang Việt Nam trong 5 tháng đầu năm là HRC. 

  Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Phát biểu tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn ngành vật liệu xây dựng hồi giữa tháng 6, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA đồng thời là Tổng Giám đốc của VNSteel, nhận định với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn do sức ép từ thép Trung Quốc và tình trạng cung vượt cầu. 

“Tình trạng “cung vượt cầu” của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tại quốc tế tăng…cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép”, ông Nghiêm Xuân Đa nói.

Tại buổi họp ĐHĐCĐ 2024, lãnh đạo Tập đoàn Hoà Phát nhận định ngành thép thế giới và Việt Nam, trong đó có Hòa Phát tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức còn hiện hữu trong năm 2024.

Thứ nhất, quá trình phục hồi chậm của nền kinh tế Trung Quốc. Thứ hai, xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra từ cuối tháng 2/2022 đẩy quan hệ Mỹ, EU liên tục đưa những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ với Nga làm giá cả các mặt hàng năng lượng, lương thực, thiết yếu vẫn tiếp tục duy trì ở mức giá cao, lạm phát gia tăng, cầu tiêu dùng yếu, tác động đáng kể đối với kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ thương mại vẫn tiếp tục đang gia tăng tại nhiều khu vực và quốc gia. Cùng với mức độ cạnh tranh ngày càng lớn đối với các lĩnh vực sản suất của tập đoàn, đặc biệt là thép. 

Yếu tố khác là tỷ giá vẫn neo ở mức cao làm tăng chi phí sản xuất của các đơn vị nhập khẩu.

Doanh nghiệp này đang tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới để tiêu thụ HRC, nhất là khi phân đoạn 1 của dự án Dung Quất 2 sắp đi vào hoạt động vào cuối năm nay - đầu năm sau. 

Sau khi dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động thì tập đoàn sẽ có thêm sản lượng 5,6 triệu tấn HRC nâng tổng năng lực sản xuất HRC lên 8,6 triệu tấn.

Giai đoạn này, tập đoàn chủ yếu xuất khẩu châu Âu là chính và một phần sang Mexico ở châu Mỹ. 

Với châu Âu, nền kinh tế vẫn đang ở giai đoạn hồi phục, nhu cầu vẫn có và tập đoàn tiếp tục xuất khẩu. Hiện tập đoàn đang nghiên cứu xuất khẩu sang Mỹ.

Xung đột trong doanh nghiệp thép

Làn sóng thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam khiến các doanh nghiệp lo lắng, nhưng cũng tạo ra những tranh cãi trong nội bộ doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam. 

Đối với những doanh nghiệp sản xuất tôn mạ,  họ lo ngại hàng từ Trung Quốc đang bán phá giá đối với sản phẩm cùng loại tại Việt Nam, nhất là sau khi vụ việc AD02 kết thúc.

Mới đây, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) mới đây đây quyết định điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (Mã vụ việc AD19). Thời kỳ điều tra hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/4/2023 đến ngày 31/3/2024.

Ở khía cạnh khác, các doanh nghiệp này đang phải phụ thuộc nhiều vào HRC nhập khẩu từ Trung Quốc - điều gây bất lợi đối với Hoà Phát và Formosa. 

Xung đột giữa các nhà sản xuất thép trong nước bắt đầu nổ ra. Hoà Phát và Formosa cũng đã gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương điều tra chống bán giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Hồ sơ hiện đã đủ điều kiện và Bộ Công Thương đang xem xét có khởi xướng điều tra hay không. Phía các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, ống thép phản đối điều này vì họ cho rằng nguồn cung trong nước hiện không đủ cho sản xuất. 

Tuy nhiên, tại Đại hội Cổ đông Thường niên 2024, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long cho biết  việc thép HRC nhập khẩu  nhiều hơn so với sản lượng trong nước là điều không thể chấp nhận. 

“Chúng ta nên có quan điểm ủng hộ ngành sản xuất trong nước, không thể chấp nhận hàng hoá nước ngoài nhiều hơn sản xuất trong nước. Không một nước nào chấp nhận lượng thép nhập khẩu nhiều hơn nội địa. 30 năm trước chúng ta chưa có tên trên bản đồ thép thế giới nhưng hiện tại đã lớn nhất Đông Nam Á. Do đó, cần có nhìn nhận ủng hộ thép trong nước. Không có lý do gì doanh nghiệp trong nước bỏ ra 7 tỷ USD để đầu tư mà không bảo vệ”, ông Long cho biết.

Ông dẫn số liệu của năm 2023 tổng sản lượng trong nước khoảng 6,7 triệu tấn HRC nhưng nhập khẩu 9,6 triệu tấn. 

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch VSA cho biết trong hai năm gần đây, lượng nhập khẩu  thép Trung Quốc tăng rất đột biến. Điều này tạo áp lực cho các đơn vị sản xuất thép trong nước.

"Chúng tôi sẽ kiến nghị với Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp cần thiết như phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước. 

Quan điểm của hiệp hội thép nhất quán là bảo vệ thị trường thép trong nước. Khi mà thép nhập khẩu đổ ồ ạt có hành vi bán phá giá thì chúng tôi phải yêu cầu Chính phủ có hành động để bảo vệ thép trong nước với tất cả sản phẩm", ông Đa cho biết.

H.Mĩ