|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu hàng hoá sẽ bứt phá trong năm 2021?

10:10 | 11/02/2021
Chia sẻ
Một trong những thành công của kinh tế Việt Nam trong năm 2020 là duy trì tăng trưởng dương kim ngạch xuất khẩu bất chấp dịch COVID-19. Bước sang năm 2021, đà tăng trưởng tiếp tục lạc quan ngay từ đầu năm.
Xuất khẩu hàng hoá sẽ bứt phá trong năm 2021? - Ảnh 1.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2021 ước tính đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gồm điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ. 

Xuất khẩu hàng hoá sẽ bứt phá trong năm 2021? - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản cũng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như thủy sản tăng 19,6%; cao su tăng 142,2%; hạt điều tăng 51,7%; hạt tiêu tăng 42,4% và chè tăng 31,2%. 

Một tín hiệu lạc quan khác nữa là ngay trong những ngày đầu tháng 1/2021, hàng loạt các đơn hàng xuất khẩu nông, thủy sản đã được doanh nghiệp xuất đi, đánh dấu một khởi đầu thuận lợi. 

Cụ thể, mới đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND TP Cần Thơ công bố xuất khẩu lô gạo đầu tiên của năm 2021. Theo đó, lô hàng có tổng khối lượng 1.600 tấn gạo thơm Jasmine 85 và Hương Lài của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An được xuất sang Singapore và Malaysia.

Xuất khẩu hàng hoá sẽ bứt phá trong năm 2021? - Ảnh 1.

Lô hàng gạo xuất khẩu đầu năm 2021 của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An chuẩn bị ra cảng. (Ảnh: TTXVN)

Không chỉ mặt hàng gạo, các mặt hàng thủy sản và trái cây cũng đã được các doanh nghiệp "xuất ngoại" sang các thị trường khó tính.

Có thể kể đến như hơn 160 tấn tôm do Công ty Cổ phần thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang chế biến đã "mở hàng" cho ngành thủy sản xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng của Việt Nam là EU, Mỹ và Nhật Bản.

Hay Công ty Cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) cũng đã xuất khẩu lô hàng gồm 8 container các mặt hàng mực, cá ngừ, bạch tuộc, tôm mũ ni, với tổng trị giá 700.000 USD sang Canada, Mỹ, Australia…

Ngoài ra, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu MTV Nam Phong là đơn vị đầu tiên trong năm 2021 xuất khẩu gần 140 tấn thanh long giá trị xấp xỉ 1,9 tỷ đồng sang thị trường Vân Nam (Trung Quốc). Còn Công ty TNHH Nông sản Hùng Sư xuất khẩu 27,5 tấn dưa lê trị giá 120 triệu đồng.

Xuất khẩu hàng hoá sẽ bứt phá trong năm 2021? - Ảnh 4.

Với nhiều mặt hàng như giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện...thường sẽ có hai mùa sản xuất chính là đầu năm và cuối năm. Do vậy, thời điểm này cũng là thời điểm vào mùa sản xuất, xuất khẩu nên các doanh nghiệp đang “tăng tốc” để hoàn thành các đơn hàng. 

Theo nhiều doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu đang dần phục hồi và đến nay các công ty đã nhận được đơn hàng đến quý II/2021. 

Chia sẻ bên lề hội thảo da giày gần đây, ông Trần Việt Cường, Giám đốc chiến lược Công ty Da giày Tuấn Việt, cho biết tính đến hiện tại số đơn hàng đã ký kết đủ cho công ty sản xuất đến quý II/2021, đảm bảo công việc cho 1.200 công nhân của doanh nghiệp.

"Hiện đơn hàng khá nhiều và mình phải cân nhắc xem có nên nhận thêm hay không. Do trước đó công ty đã phải cắt giảm một lượng nhân công vì tác động của dịch bệnh nên nếu mình nhận đơn hàng quá nhiều có thể sẽ không đảm bảo được chất lượng sản phẩm", ông Cường chia sẻ.

Đồng thời cho biết thêm công ty đang đàm phán với khách hàng về việc dàn trải các đơn hàng ra giữa năm, thời điểm thấp điểm của ngành da giày, thay vì chỉ dồn vào đầu năm để tạo sự ổn định cho sản xuất và cung cấp sản phẩm. 

Xuất khẩu hàng hoá sẽ bứt phá trong năm 2021? - Ảnh 2.

Ông Trần Việt Cường, Giám đốc chiến lược Công ty Da giày Tuấn Việt. (Ảnh: Như Huỳnh).

Tương tự, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định, chia sẻ rằng đơn hàng của công ty đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi từ những tháng cuối năm 2020 khi các đối tác đã bắt đầu đặt hàng. 

Nguyên nhân do nhu cầu sử dụng các mặt hàng thời trang, đặc biệt là giày dép đang có xu hướng tăng vào thời điểm này nên lượng đơn hàng của công ty đã nhận đến hết tháng 3/2021.

"Năm 2021 là năm ngành da giày đặt rất nhiều kỳ vọng khi Việt Nam đã ký kết được hiệp định EVFTA và một số hiệp định nên nếu phát huy được lợi thế đó thì các đơn hàng sẽ dịch chuyển từ các thị trường lớn như Trung Quốc và một số nước. Đây là một trong những thuận lợi mà doanh nghiệp phải nắm bắt và phải có kế hoạch để phát huy thời cơ đó", ông Trung cho hay.

Đây cũng là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn khi cho hay hiện ngành da giày đang có những tín hiệu tốt khi các doanh nghiệp lớn, dẫn dắt thị trường đang đã có đơn hàng cho năm 2021.

Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc bắt đầu nhận thấy những rủi ro từ thị trường này và bắt đầu dịch chuyển sản xuất. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải làm sao nâng cao năng suất, tích tụ tài chính, tích tụ được khoa học công nghệ, làm chủ được chuỗi cung ứng, đáp ứng được nhu cầu về môi trường để tiếp nhận.

"Các doanh nghiệp phải lo hoàn thiện chuỗi cung ứng, tái phục hồi sản xuất một cách  nhanh nhất, doanh nghiệp nào làm chậm trong lúc này sẽ mất cơ hội", ông Thuấn nhấn mạnh. 

Với ngành lúa gạo, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết: "Tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhưng dù có suy giảm ở các ngành hàng khác thì với ngành lương thực thực phẩm như lúa gạo vẫn là mặt hàng thiết yếu của người tiêu dùng nên gạo Việt Nam vẫn tăng xuất khẩu trong thời gian tới".

Minh chứng là trong tháng đầu tiên của năm 2021, diễn biến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Trong tuần cuối tháng 1, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng từ mức 500 - 505 USD/tấn lên 505 - 510 USD/tấn hôm thứ Năm (28/1) do nguồn cung khan hiếm.

Trong khi đó, với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho rằng sức mua thị trường năm 2021 vẫn sẽ giậm chân tại chỗ, không có sự tăng trưởng đột phá nếu tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

"Thậm chí tình hình thương mại toàn cầu có thể ảnh hướng đến năm 2022, khả năng hồi phục phải đến năm 2023 chứ không thể "một sớm một chiều" có thể hồi phục nên dệt may Việt Nam đứng trước những thách thức và áp lực", ông Giang cho biết.

Theo đó, ngành dệt may sẽ phải xoay chuyển tình thế với những giải pháp thích ứng chiến lược trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và thực hiện mục tiêu năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu 39 - 40 tỷ USD.

Ngoài ra, theo doanh nghiệp việc Việt Nam tham gia hội nhập sâu hơn vào các khối, nền kinh tế thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đặc biệt là EVFTA, UKVFTA, RCEP sẽ là động lực lớn giúp tạo nhiều lợi thế cho hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.

Đơn cử, 60 tấn gạo thơm đầu tiên của Việt Nam đã được xuất sang thị trường Anh đã được miễn thuế theo cam kết của UKVFTA. Điều này sẽ khiến gạo Việt Nam có sức cạnh tranh tốt với các nước khác cũng xuất khẩu gạo thơm sang Anh như Thái Lan.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp đây là cơ hội nhưng đồng thời là thách thức. "Để đáp ứng được những đơn hàng lớn đòi hỏi rất khó so với trước đây. Ví dụ theo xu hướng hàng hóa và mẫu mã ngày càng tối giản nhưng chất lượng phải lâu bền, đòi hỏi công nghệ phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu sau dịch COVID-19.

Ngoài ra đơn hàng có xu hướng nhỏ lẻ, thời gian giao hàng gấp trong khi giá cả có xu hướng giảm. Do đó buộc công ty cải tiến trang thiết bị, nâng cao ý thức người lao động và áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất kinh doanh để đảm bảo hiệu quả tốt nhất", Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Gia Định chia sẻ.

Như Huỳnh