|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ cán mốc 100 tỷ USD nhưng liên tiếp dính đòn phòng vệ thương mại

20:38 | 22/12/2022
Chia sẻ
Tính hết tháng 11, Mỹ đã khởi xướng 51 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng Việt, chiếm khoảng 25% tổng số vụ việc điều tra của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

25% vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đến từ Mỹ

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt 101,2 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 29,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Mỹ là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam cán mốc 100 tỷ USD/năm nhưng cũng là nơi điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam nhiều nhất.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt 101,2 tỷ USD.

Tại tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ", ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết tính hết tháng 11, Mỹ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam với 51 vụ việc, chiếm khoảng 25% số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta.

Ngoài các công cụ điều tra bán phá giá, thời gian gần đây Mỹ cũng tiếp tục sử dụng những hoạt động điều tra mới, trong đó có điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, chiếm 50% số vụ điều tra của Mỹ với Việt Nam.

Tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. (Ảnh: Tạp chí Công Thương)

Thép là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tần suất bị Mỹ điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh nhiều nhất.

Ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết năm 2018, Tổng thống Donald Trump quyết định áp điều khoản 232 của Đạo luật thương mại mở rộng năm 1962 với thép Việt Nam.

Khi những sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ có liên quan đến những nguyên liệu từ các quốc gia mà Mỹ đang áp thuế, cơ quan quản lý nước này sẽ theo dõi và nghi ngờ có chuyện lẩn tránh thuế. Điều khoản này khiến một số mặt hàng thép Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ phải chịu mức thuế 25%.

Kể từ năm 2018 đến nay, Mỹ đã tiến hành 4 vụ việc điều tra với thép Việt Nam. Cụ thể, năm 2018, Mỹ có điều tra chống lẩn tránh thuế đối với mặt hàng thép ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ mặt hàng của của ngành thép lẩn tránh thuế từ Trung Quốc đại lục, đảo Đài Loan và Hàn Quốc.

Tiếp đó năm 2020, Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế và chống trợ cấp đối với thép tấm không gỉ dạng dải và dạng đai nhập khẩu từ Việt Nam.

Vụ thứ ba là năm 2021, Mỹ nhận đơn của ngành hàng sản xuất trong nước đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm chống ăn mòn nhưng sau đó Mỹ có phán quyết là không khởi xướng vì chưa đủ căn cứ.

Và mới đây nhất, tháng 8/2022, Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm thép ống nhập khẩu từ Việt Nam.

Ông Thái nhận định điểm chung nhất trong 4 vụ việc điều tra nêu trên là việc gia tăng xuất khẩu thép của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Để bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước, Mỹ có các chính sách phòng vệ thương mại.

“Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan dẫn đến ngành thép Việt Nam thường xuyên phải đối diện với vụ kiện phòng vệ thương mại là chi phí nguyên vật liệu đầu vào sản xuất, chi phí nhân công của Việt Nam đang ở mức thấp, chúng ta có lợi thế về giá hơn so với những nền kinh tế phát triển như Mỹ”, ông Thái cho biết.

Truy xuất nguồn gốc là tấm khiên bảo vệ doanh nghiệp

Tại tọa đàm, Tổng Thư ký VSA cho rằng để ứng phó với những vụ việc điều tra của Mỹ, Việt Nam cần phải huy động lực lượng từ cơ quan quản lý nhà nước, luật sư… và bản thân các doanh nghiệp cũng cần có nguồn lực tốt để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan điều tra.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ chỉ ra thực trạng năng lực ứng phó với phòng vệ của doanh nghiệp không đồng đều.

Với các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và nhân lực, việc tiếp cận các vụ việc điều tra khá bài bản. Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn hạn chế trong việc tuân thủ quy trình, thủ tục chặt chẽ của Mỹ.

“Khi doanh nghiệp vướng vụ việc này, việc cung cấp thông tin đôi khi không đúng, thiếu tài liệu kiểm chứng, không phù hợp với giai đoạn điều tra, quá hạn trả lời theo yêu cầu của Mỹ. Điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa ý thức được hết quy định điều tra cũng như chưa có kỹ năng ứng phó”, ông Hưng nói.

Còn theo ông Chu Thắng Trung khẳng định trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp đóng vai trò “hạt nhân” vì họ là đối tượng điều tra, cung cấp thông tin, trả lời câu hỏi, giải trình với cơ quan điều tra. Còn những cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội cũng chỉ hỗ trợ và cung cấp thông tin bổ sung.

“Doanh nghiệp phải có hệ thống quản trị để truy xuất thông tin không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn có thể truy xuất lại trong 2-3 năm hoặc lâu hơn nữa.

Đồng thời, doanh nghiệp cần đảm bảo ở bất kì thời điểm nào cũng có thể truy xuất dữ liệu để chứng minh việc hàng hóa không có hành vi lẩn tránh như cáo buộc”, ông Trung khuyến cáo.

Hoàng Anh