|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gỗ tự tin hoàn thành mục tiêu 11 tỉ USD trong năm 2019, cẩn trọng thị trường Mỹ tiềm năng

07:24 | 08/11/2019
Chia sẻ
Mặc dù còn đến 2 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 nhưng ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam được cho là sẽ cán đích 11 tỉ USD với nhiều điều kiện thuận lợi.

Mục tiêu xuất khẩu gỗ năm 2019 khả thi

Theo số liệu của Tổng cục lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 10 tháng năm 2019 đạt hơn 9 tỉ USD, tăng gần 19% so với cùng kì năm 2018. Lũy kế đến hết tháng 10/2019, xuất siêu lâm sản đạt xấp xỉ 7 tỉ USD.

Lâm sản Việt Nam hiện được xuất khẩu tới trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ, Nhật bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc chiếm tới 86,6% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản với kim ngạch trên 7,8 tỉ USD.

Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng theo thông lệ hàng năm những tháng cuối năm luôn là thời điểm các đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất về số lượng và giá trị. 

Thống kê với những đơn hàng đã được kí kết thì trong hai tháng còn lại của năm 2019, mục tiêu xuất khẩu lâm sản năm 2019 của ngành lâm nghiệp là 11 tỉ USD hoàn toàn khả thi và có thể đạt được.

723351cc5b1abd44e40b14

Đơn hàng của doanh nghiệp đã được phủ kín đến cuối năm. Ảnh: NH.

Đồng quan điểm, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) cho rằng: "Hiện nay kết thúc 10 tháng cả nước đã đạt doanh số xuất khẩu là 9 tỉ, với 2 cuối năm là mùa cao điểm, chúng tôi tin kế hoạch mà Thủ tưởng Chính phủ đặt ra cho ngành gỗ năm 2019 là 11 tỉ USD sẽ đạt được

Trong đó, Bình Dương đóng góp 50% trong doanh số xuất khẩu và những năm qua Bình Dương vẫn giữ vững được con số này, tôi tin là năm nay cũng vậy".

Cũng theo Chủ tịch BIFA với khoảng 4.700 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ, bên cạnh các thị trường truyền thống, sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới, tiềm năng như Canada, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung Nam Á… mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí theo phong cách cổ điển.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ mới, nên bước đầu đã phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ.

Ngoài ra, Việt Nam đã được kí kết Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) giúp thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

"Thêm vào đó Việt Nam cũng đã phê chuẩn và đang triển khai lộ trình của các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA, nên thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam... 

Đây đều là những cơ hội rất tốt để các doanh  nghiệp gỗ Việt Nam vươn ra thị trường thế giới", Chủ tịch BIFA nhấn mạnh.

Mỹ - thị trường tiềm năng nhưng cần cẩn trọng trong thời điểm nhạy cảm

Theo ông Hiệp, trong khi các thị trường khác như ASEAN, EU... vẫn là những thị trường tiềm năng như lâu nay thì điểm nhấn thời gian gần đây là tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến cho thị trường Mỹ có tốc độ tăng trưởng rất mạnh.

Số liêu của Bộ Công Thương cho biết giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ chiếm tới 48,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 3,64 tỉ USD, tăng 33,6% so với cùng kì năm 2018.

"Trước đây Trung Quốc luôn là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam bây giờ với những khó khăn của họ thì vô tình hoặc chúng ta không muốn thì các nhà nhập khẩu Mỹ cũng buộc đi tìm các thị trường khác để thay thế nguồn cung từ Trung Quốc. 

Chính vì vậy họ chọn Việt Nam là một trong những điểm đến ưu tiên, cho nên Việt Nam có thể khai thác sâu rộng thị trường lớn như Mỹ trong thời gian tới", ông Điền Quang Hiệp chia sẻ.

Trang Forbes ngày 17/10 cũng cho biết hiện rất nhiều nhà sản xuất nội thất nói về cách họ đẩy mạnh phát triển các cơ sở tại Việt Nam.

Wanek Furniture, công ty liên kết với nhà cung cấp và bán lẻ lớn nhất nước Mỹ Ashley Home, cho biết họ đã chuyển 50-70% sản lượng nệm sang các cơ sở sản xuất ở Việt Nam trong thời gian gần đây.

Man Wah, nhà sản xuất bọc ghế lớn của Trung Quốc, cho biết họ đã xây dựng nhà máy trên diện tích 232.000 m2 tại Việt Nam chỉ trong 9 tháng và đang nhanh chóng chuyển dây chuyền sản xuất.

Hiện công ty vận chuyển 1.100 container/tháng từ Việt Nam và dự kiến tỉ lệ này sẽ tăng lên 2.000 container/tháng vào cuối năm 2019 lên tới 4.000 container/tháng khi mở rộng sản xuất.

Còn theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, 9 tháng năm 2019 tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ tăng gần 1,2 lần so với năm 2018. Kết quả này cho thấy ngành gỗ đang hút mạnh vốn đầu tư.

Tuy nhiên, làn sóng đầu tư vào ngành gỗ từ các dự án đầu tư nước ngoài sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng các dự án này. 

Theo đó, Việt Nam có nguy cơ phải tiếp nhận các dự án có qui mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không bảo đảm các yêu cầu về môi trường. Bên cạnh đó, ngành gỗ trong nước vẫn còn không ít thách thức. 

40f1f4d6f000165e4f116

Các đối tác nước ngoài, đặc biệt từ các thị trường như Mỹ ngày càng ưa chuộng sản phẩm gỗ Việt Nam. Ảnh: NH.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Phát triển lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại Mỹ, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn nguy cơ gian lận trong xuất khẩu hàng hóa. 

Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng lớn sẽ dẫn tới việc Chính phủ Mỹ áp đặt những chính sách bảo hộ ngành công nghiệp gỗ trong nước, các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp rất có thể xảy ra. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.

Trước thực tế này Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng: "Doanh nghiệp cần thận trọng, liên tục cập nhật các thông tin từ phía đối tác và các cơ quan chức năng để tránh các rủi ro trong thương mại".

Còn theo Chủ tịch BIFA mặc dù có nhiều khó khăn nhưng ngành chế biến gỗ của Việt Nam đang có cơ hội lớn để xuất khẩu tăng trưởng mạnh vào những thị trường này. Do đó điều cần thiết chính là các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước cần có sự liên kết chặt chẽ.

Như Huỳnh