|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu giảm, áp lực tiêu thụ xi măng tập trung vào thị trường trong nước

14:32 | 30/08/2022
Chia sẻ
8 tháng đầu năm, uớc tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng khoảng 65,3 triệu tấn, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 43,5 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm ngoái còn xuất khẩu chỉ đạt khoảng 21,7 triệu tấn, giảm khoảng 19%.

Thông tin từ Hiệp Hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết hiện nay áp lực tiêu thụ ngành xi măng đang tập trung vào thị trường trong nước, nguyên nhân là xuất khẩu xi măng những tháng vừa qua giảm đáng kể. Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất xi măng vẫn tăng cao, đặc biệt là giá than khiến các doanh nghiệp xi măng gặp nhiều khó khăn. 

Cụ thể, trong tháng 8, sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 8,86 triệu tấn, mặc dù đã tăng khoảng 3 triệu tấn so với tháng 7 trước đó nhưng vẫn giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa khoảng 6,36 triệu tấn; xuất khẩu xi măng ước đạt khoảng 2,5 triệu tấn.

Tính chung 8 tháng năm 2022, uớc tiêu thụ sản phẩm xi măng chỉ đạt khoảng khoảng 65,3 triệu tấn, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 43,5 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, xuất khẩu sản phẩm xi măng trong 8 tháng chỉ đạt khoảng 21,7 triệu tấn, giảm khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện lượng tồn kho cả nước trong 8 tháng khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu, tương đương từ 25 đến 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker. Trong tháng 8, giá bán xi măng vẫn duy trì ở mức tương đương tháng 7.

Lý giải về sản lượng sản phẩm xi măng tại thị trường xuất khẩu giảm mạnh, các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho rằng, hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sản phẩm xi măng lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 50% sản lượng xuất khẩu nhưng quốc gia này đang hạn chế mở cửa để thực hiện chống dịch COVID-19, điều này khiến sản lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng giảm mạnh.

Theo VNCA, các nhà máy xi măng đang rất khó khăn trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cao, đặc biệt là giá than. Theo tính toán, giá than hiện nay đã chiếm trên 60% giá thành sản xuất xi măng, từ đó đã đặt các doanh nghiệp sản xuất xi măng đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt về giá. Tình hình này buộc nhiều doanh nghiệp sản xuất phải điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất vì càng sản xuất càng lỗ. 

Như Huỳnh