Xuất khẩu gạo trong ASEAN: Việt Nam hưởng lợi nhờ đối tác, Ấn Độ có ưu thế về giá
Việt Nam và Ấn Độ
Theo FoodNavigator-Asia, Philippines là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Thông thường, gạo nhập khẩu chiếm 7 - 14% nhu cầu tiêu thụ của nước này.
Hồi tháng 5, Philippines đã công bố một thỏa thuận liên chính phủ (G2G) để tăng dự trữ gạo quốc gia. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp William Dar cho biết Philippines đang thảo luận cùng các nhà sản xuất gạo lớn nhất châu Á như Myanmar, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia.
Đầu tháng 6, Tổng công ty Thương mại Quốc tế Philippines (PITC) - một cơ quan của chính phủ Philippines, đã tổ chức đấu thầu nhập khẩu. Theo thông tin từ Bộ Công Thương Việt Nam, số lượng gạo đấu thầu là 300.000 tấn.
Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar là các bên dự thầu. Trong đó, Myanmar dẫn đầu và có thể cung cấp đến 75.000 tấn gạo cho Philippines, còn hồ sơ dự thầu của Ấn Độ và Thái Lan đã bị từ chối.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố ngày 24/6, Philippines cho biết kế hoạch trên sẽ bị hủy bỏ do Việt Nam đã nối lại hoạt động xuất khẩu gạo vào tháng 5.
Bộ trưởng Dar nói: "Với tình hình hiện tại, thỏa thuận G2G nêu trên không còn cần thiết vì vấn đề cung ứng gạo đã được giải quyết sau khi Việt Nam dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo".
"Không còn cần nhập khẩu gạo theo kế hoạch cũ, chính phủ Philippines có thể tiết kiệm khoảng 170,4 triệu USD. Số tiền này có thể được dùng để hỗ trợ năng cao năng suất trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm mục đích đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước", vị bộ trưởng trên nói tiếp.
Hồi tháng 3, Việt Nam đã gây chú ý sau khi tuyên bố ngừng xuất khẩu gạo. Lệnh cấm gây thiệt hại nặng đối với Philippines khi gạo Việt Nam thường chiếm khoảng 90% nhập khẩu gạo của nước này.
Việt Nam cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4, sau đó dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vào tháng 5.
Việc Việt Nam bảo toàn được thỏa thuận xuất khẩu gạo cho Philippines không gây ngạc nhiên vì mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai nước. Tuy nhiên, ở mức 405 - 450 USD/tấn tính đến ngày 25/6, giá gạo của Việt Nam đang cao hơn so với Ấn Độ với mức 373 - 378 USD/tấn.
Giá cao khiến Việt Nam mất cơ hội xuất khẩu gạo sang một số nước ASEAN khác như Malaysia, FoodNavigator-Asia cho hay.
Hồi đầu năm nay, Malaysia đã kí một thỏa thuận nhập khẩu kỉ lục 100.000 tấn gạo với Ấn Độ, cao gấp đôi so với trung bình lượng gạo mà nước này nhập khẩu từ Ấn Độ trong 5 năm qua (cụ thể là 53.000 tấn).
"Ấn Độ đang chào bán gạo với mức giá thấp hơn, kích thích các nước mua gạo giá hời từ đây", ông Nitin Gupta - Phó Chủ tịch của tập đoàn kinh doanh nông sản hàng đầu thế giới Olam, chia sẻ với Reuters.
Còn các nước khác thì sao?
Theo dữ liệu từ Statista, Ấn Độ là nước xuất gạo lớn nhất thế giới với 9,79 triệu tấn và Việt Nam đứng thứ ba với 6,58 triệu tấn.
Ở vị trí thứ hai là Thái Lan với 7,56 triệu tấn. Dù vậy, vị thế của Thái Lan lại tương đối thấp so với Việt Nam và Ấn Độ do "xứ sở chùa vàng" hiện đang phải vật lộn với vấn đề khí hậu, kinh tế và chất lượng.
Hạn hán khiến nguồn cung gạo tại Thái Lan giảm xuống và đẩy giá gạo lên 514 - 520 USD/tấn (tính đến ngày 26/6). Tuy nhiên, hầu hết báo cáo đều mô tả nhu cầu đối với gạo Thái Lan sẽ giảm dù ban đầu tăng mạnh trong đại dịch COVID-19.
Ông Charoen Laothammathat - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan, cho biết trong tháng 4, nước này xuất khẩu hơn 640.000 tấn gạo, tăng 32,7% so với tháng 3. Tuy nhiên, ông Laothammathat dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ giảm do giá quá cao và các đối thủ cạnh tranh quay trở lại cuộc chơi.
"Giá gạo của Thái Lan cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh do nguồn cung hạn chế và đồng baht mạnh lên, trong khi Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan đã quay trở lại thị trường", ông Charoen Laothammathat chia sẻ với hãng tin Nation Thailand.
Mặt khác, gạo cũng là lương thực chủ lực của Indonesia, nhưng nước này không nằm trong danh sách các nhà xuất khẩu cũng như nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới do chính phủ còn phải chật vật để quyết định có nên nới lỏng qui định nhập khẩu hay không.
Theo FoodNavigator-Asia, chính phủ Indonesia cũng có kế hoạch tăng cường khả năng tự cung cấp gạo và tìm cách xuất khẩu gạo bằng cách trồng lúa trên 2,2 triệu mẫu đất ở Borneo, nơi hiện là đất than bùn. Tuy nhiên, dự án đang vấp phải chỉ trích từ nhiều tổ chức và cá nhân.
"Nhìn chung, đất than bùn có rất ít chất dinh dưỡng", Tiến sĩ Basuki Sumawinata của Viện Nông nghiệp Bogor (IPB) cho hay. "Cho nên, nếu chính phủ muốn trồng lúa trên đất than bùn, cần phải có công nghệ phù hợp nhưng chi phí có thể sẽ rất cao".
Năm 1995, Indonesia cũng từng triển khai một dự án tương tự và thất bại, khiến các chuyên gia lo ngại dự án mới có thể lặp lại vết xe đổ trong quá khứ.