Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng cao nhờ nhu cầu từ Cuba, Malaysia
Theo Reuters, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng từ 425 - 457 USD/tấn trong tuần trước lên 435 - 457 USD vào tuần này, mức cao nhất kể từ ngày 18/6.
Một thương nhân tại TP HCM nhận định nhu cầu mạnh mẽ từ hai quốc gia là Cuba và Malaysia đã kéo giá 10 USD/tấn trong tuần này.
"Tuy nhiên, hoạt động thương mại đã chậm lại trong tuần qua vì một số người mua đang chờ giá hạ xuống vợi dự báo nguồn cung tăng từ vụ mùa đang được thu hoạch sẽ kết thúc vào đầu tháng tới", người này cho biết thêm.
Các thương nhân dự đoán xuất khẩu gạo sang châu Âu sẽ tăng sau khi thoả thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, trong khi lệnh áp đặt hạn ngạch hàng năm của khối liên minh sẽ ngăn chặn sự gia tăng nhanh chóng về xuất khẩu.
Giá gạo Thái Lan giảm tới 30 USD/tấn chỉ trong một tuần
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở 440 - 455 USD/tấn trong ngày 16/7, đánh dấu mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2, giảm 15 - 30 USD/tấn so với mức 455 - 485 USD của tuần trước.
Giá gạo xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á cũng bị ảnh hưởng bởi dự báo nguồn cung mới được đưa ra thị trường vào đầu tháng tới.
"Với việc không có người mua ở thời điểm hiện tại, việc bơm thêm nguồn cung mới có thể đẩy giá giảm sâu hơn nữa", một nhà giao dịch dự báo.
Còn tại nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Ấn Độ, giá gạo đồ 5% tấm không thay đổi ở 377 - 382 USD/tấn vì người nông dân tăng diện tích gieo trồng vụ lúa mùa hè.
"Nhu cầu ở mức trung bình. Các vụ nhiễm COVID-19 gia tăng tại châu Á và châu Phi đang là mối lo ngại lớn. Điều này có thể dẫn tới các vấn đề về dịch vụ hậu cần cho người mua và người bán", theo một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, miền Nam bang Andhra Pradesh.
Nông dân Ấn Độ đã gieo lúa trên 12 triệu ha ruộng tính tới ngày 10/7, tăng 26% so với một năm trước đó, dữ liệu chính phủ chỉ ra.
Tại Bangladesh, chính phủ sẽ ra quyết định về việc giảm thuế nhập khẩu gạo vào cuối tháng này. Lũ lụt cũng đang tàn phá những đồng ruộng tại quốc gia Nam Á, theo những người trồng lúa.