Xuất khẩu gạo tiếp tục bứt phá
Xuất khẩu gạo tăng mạnh
Mặc dù tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày nhưng xuất khẩu gạo vẫn đạt mức tăng trưởng khá tích cực.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp đã xuất khẩu 562.943 tấn gạo trong tháng 2 với giá trị kim ngạch 373,4 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và tăng tới 30,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt hơn 1 triệu tấn cùng trị giá thu về 735,6 triệu USD, tăng 20,4% về lượng và tăng đến 55,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 2 tháng đầu năm, nhìn chung xuất khẩu gạo của Việt Nam sang hầu hết thị trường tiêu thụ chính đều tăng trưởng mạnh.
Trong đó, Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với khối lượng đạt 500.195 tấn, trị giá 337 triệu USD, tăng 24,4% về lượng và tăng 64,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường này chiếm đến 46,5% về lượng và 45,8% về trị giá trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Indonesia đứng ở vị trí thứ hai, chiếm 20,4% khối lượng với 219.165 tấn, trị giá 141,7 triệu USD, tăng 52,4% về lượng và gấp 2,1 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng trong tháng 2, các doanh nghiệp đã giao 191.909 tấn gạo sang thị trường này, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ. Đây là một phần trong tổng số 300.000 tấn gạo mà các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu xuất khẩu sang Indonesia trong phiên đấu thầu diễn ra vào tháng 1 năm nay.
Xuất khẩu gạo sang các thị trường lớn tiếp theo là Malaysia và Ghana cũng tăng rất mạnh trong 2 tháng đầu năm, với mức tăng lần lượt là 112,3% và 308,9%, lên 38.257 tấn và 26.810 tấn.
Đáng chú ý, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Pháp tăng đột biến gấp 144 lần về lượng và 180 lần về trị giá, đạt 18.269 tấn, trị giá 18,9 triệu USD. Với kết quả này, Pháp đã vươn lên vị trí thứ 7 về lượng và thứ 5 về trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu sang Pháp lên đến 1.036 USD/tấn, cao nhất trong số các thị trường mua gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc lại giảm sâu 87,3%, Bờ Biển Ngà giảm 54,1%, Hong Kong giảm 31,7%...
Giá gạo xuất khẩu trong tháng 2 đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái, với mức giảm 6,2% so với tháng trước xuống còn bình quân 663 USD/tấn. Nhưng so với cùng kỳ năm ngoái mức giá này vẫn cao hơn gần 24%.
Tính chung 2 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu đạt bình quân 684 USD/tấn, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Về chủng loại gạo xuất khẩu, kể từ khi Ấn Độ ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu vào năm ngoái, nhu cầu thị trường quốc tế đối với gạo của Việt Nam có xu hướng tăng lên, đặc biệt là chủng loại gạo trắng.
Chủng loại này chiếm đến 77% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, tương ứng khoảng hơn 830 nghìn tấn. Tiếp đến là nhóm gạo thơm như Jasmine, DT8, KDM… chiếm 14,3% (hơn 154 nghìn tấn); gạo nếp chiếm 6%; gạo Nhật là 2,2% và 0,3% còn lại là gạo lứt, gạo vi chất.
Cơ hội xuất khẩu gạo vẫn rất lớn
Với nguồn cung dồi dào từ vụ thu hoạch Đông Xuân và nhu cầu nhập khẩu ở mức cao trên thị trường thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam có triển vọng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 ở mức kỷ lục 522,9 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với niên vụ trước và vượt sản lượng 7,5 triệu tấn. Với dự báo này, tồn kho cuối kỳ toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 dự kiến giảm xuống 169,7 triệu tấn, mức thấp nhất trong 6 năm.
Hiện tượng thời tiết El Nino, yếu tố khiến nhiều khu vực lớn ở châu Á khô hạn trong năm 2023, dự kiến tiếp diễn trong nửa đầu năm 2024. Các nhà giao dịch và giới chức nhiều nước dự đoán sản lượng gạo của châu Á trong nửa đầu năm 2024 sẽ giảm do điều kiện trồng trọt khô hạn.
USDA mới đây đã nâng dự báo nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2024 lên mức kỷ lục 4,1 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với dự báo trước và tăng khoảng 600.000 tấn so với năm 2023.
Lý giải nguyên nhân lượng gạo nhập khẩu của Philippines tăng, USDA cho hay, nước này tăng nhập khẩu vì tình trạng khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo nội địa.
Theo dữ liệu từ Cục Công nghiệp Thực vật Philippines (BPI), nhập khẩu gạo của Philippines tính từ đầu năm đến ngày 7/3 đã đạt 793.753 tấn. Có đến 431.847 tấn gạo tương đương 54% tổng khối lượng được nhập khẩu từ Việt Nam.
Cuối năm ngoái Chính phủ Philippines đã ký một thỏa thuận có thời hạn 5 năm với Việt Nam. Theo đó, mỗi năm Việt Nam sẽ đảm bảo nguồn cung gạo từ 1,5 - 2 triệu tấn cho nước này.
Còn tại Indonesia, Chính phủ nước này đã quyết định tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn lên mức 3,6 triệu tấn.
Tính tới tháng 2, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. Sản lượng gạo của nước này trong vụ thu hoạch từ tháng 1-4/2024 dự kiến sẽ giảm 17,5% do ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino.
Ngoài hai thị trường kể trên, các quốc gia tại châu Phi cũng đang chuyển hướng sang nhập khẩu gạo Việt Nam sau khi Ấn Độ áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ giữa năm ngoái.
Trong khi đó, nguồn cung tại tại nước sản xuất hàng đầu cũng đang đối mặt với sự sụt giảm do thời tiết bất lợi.
Chính phủ Ấn Độ trong một tuyên bố mới đây cho biết rằng sản lượng gạo của nước này có thể giảm lần đầu tiên sau 8 năm xuống còn 123,8 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024 (tính đến tháng 6) do lượng mưa dưới mức trung bình.
Ngày 21/2, Chính phủ Ấn Độ đã gia hạn thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ, có hiệu lực trong thời gian không xác định để ngăn chặn bất cứ khả năng tăng giá nào trên thị trường trong nước trước cuộc tổng tuyển cử.
Tương tự, sản lượng gạo của Thái Lan được dự báo sẽ giảm 5,9% do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Nino. Còn tại Việt Nam, tình trạng xâm nhập mặn cũng đang ảnh hưởng đến một phần diện tích sản xuất.
Giá gạo sau khi chịu áp lực giảm do Việt Nam và nhiều nước bước vào vụ thu hoạch cũng đang rục rịch tăng trở lại.
Trên thị trường thế giới, giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tuần đến ngày 14/3 được chào bán ở mức 585 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tuần trước đó nhưng vẫn thấp hơn đáng kể mức đỉnh 665 USD/tấn đạt được vào cuối năm ngoái. Tại trong nước, giá lúa gạo đã tăng khoảng 200 - 400 đồng/kg kể từ cuối tháng 2 đến nay.
Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp hơn 30 USD/tấn so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan và khoảng 15 USD/tấn so với Pakistan.