|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp giảm tháng đầu tiên trong năm 2021 vì COVID-19

12:02 | 18/09/2021
Chia sẻ
Sau nhiều tháng liên tục tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp trong tháng 8 quay đầu giảm mạnh hơn 18%, chỉ đạt 60 triệu USD.
Xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp giảm tháng đầu tiên trong năm 2021 vì COVID-19 - Ảnh 1.

Trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch COVID-19, xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp sụt giảm trong tháng 8. (Ảnh: Như Huỳnh)

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp trong tháng 8 đạt 60 triệu USD, giảm 18,2% so với tháng 8/2020. Đây cũng là tháng đầu tiên trong năm 2021 xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp quay đầu giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục Xuất nhập khẩu nguyên nhân mặt hàng này giảm mạnh trong tháng 8/2021 là do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại thị trường trong nước, khiến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, điều này làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, trong đó có mặt hàng đồ nội thất nhà bếp. 

"Triển vọng xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì khả năng xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng trưởng rất khả quan do nhu cầu thị trường vào thời điểm cuối năm thường tăng cao để đáp ứng cho mùa lễ hội, hoàn thiện nhà ở, sửa sang không gian phòng bếp đón chào năm mới", Cục Xuất nhập khẩu dự báo.

Xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp giảm tháng đầu tiên trong năm 2021 vì COVID-19 - Ảnh 2.

(Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan/Bộ Công Thương)

Dù vậy, tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp đạt 630,7 triệu USD, tăng 41,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng theo số liệu thống kê đồ nội thất nhà bếp xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu mặt hàng này tới Mỹ đạt 439,6 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 77,2% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp. 

Đáng chú ý, trị giá xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp tới một số thị trường đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 7 tháng đầu năm 2021 như: Anh đạt 10.2 triệu USD, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm 2020; tiếp theo là Trung Quốc đạt 5 triệu USD, tăng 43,8%; Canada đạt 4,9 triệu USD, tăng 99,3%...

Trước đó, để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nói chung trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, ngày 7/9, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có Công văn số 68 gửi Thủ tướng chính phủ và các Bộ, ngành kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ để duy trì sản xuất và tái phục hồi. 

Theo đó, đề nghị nâng hạng ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động ngành gỗ từ mức 13/16 lên mức 8/16 trong bảng xếp hạng của Bộ Y tế; đề nghị các địa phương cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn áp dụng phương thức “3 tại chỗ” hoặc “2 tại chỗ” tùy theo tình hình thực tế.

Đồng thời, cho phép người lao động của doanh nghiệp được di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 hoặc 1 mũi vắc xin và thực hiện nghiêm túc 5K; cho phép các doanh nghiệp tự test COVID-19 đối với người lao động của mình và được các cơ quan chức năng công nhận kết quả test của doanh nghiệp....

Bên cạnh đó, đề nghị ngành ngân hàng giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4-4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay. 

Giãn nợ gốc và trả lãi từ 6 tháng tới 12 tháng để doanh nghiệp có đủ thời gian ổn định sản xuất; hỗ trợ cho doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ 3-6 tháng áp dụng đối với ngân hàng thương mại, với mức lãi suất thấp từ 2-3%....

Về dài hạn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương bố trí quỹ đất để quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tập trung ở các địa phương có nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết sản xuất tốt hơn, có hệ thống kho bãi chứa hàng và dự trữ nguyên liệu sản xuất đáp ứng nhu cầu mở rộng, phát triển sản xuất và kịp thời ứng phó trong bối cảnh bất thường khi hoạt động xuất, nhập khẩu gặp khó khăn.

Như Huỳnh