Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khó cầm cự với mô hình '3 tại chỗ'
Giảm công suất hoạt động, không thu được dòng tiền nhưng phải gánh chi phí tăng lớn từ "3 tại chỗ"
Báo cáo tại hội nghị giao ban trực tuyến về ngành gỗ và lâm sản ngày 7/9, ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết trong 8 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản cả nước ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, ngành hàng xuất siêu 9,1 tỷ USD, cao nhất so với các ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế năm 2021. Tuy nhiên trong tháng 8 giá trị xuất khẩu giảm đến 34,5% so với tháng trước đó và giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 949 triệu USD.
Phó Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng có thể nói xuất khẩu gỗ và lâm sản đang bước vào giai đoạn khó khăn.
Phân tích cụ thể những khó khăn của ngành hàng, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Viforest), cho biết dịch bệnh COVID-19 đã khiến trên 50% doanh nghiệp ngành gỗ phải ngừng, đóng cửa hoặc giảm sản xuất và đối diện nguy cơ phá sản.
"Doanh nghiệp còn hoạt động "3 tại chỗ" chỉ khoảng 30-40% lao động, công suất cầm cự ở mức 30-50% so với điều kiện bình thường nhưng chi phí tăng 5-6 triệu/lao động/tháng, thực tế này khiến doanh nghiệp rất khó cầm cự, đó là còn chưa kể việc phải đóng bảo hiểm y tế, thất nghiệp, ngân hàng…đây thực sự là gánh nặng của ngành gỗ", ông Lập chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch Viforest hiện nay người lao động trong ngành đang chờ tiêm vắc xin quá lâu, tính đến cuối tháng 8 chỉ mới khoảng 10-20% số lao động. Trong khi chi phí thuê container và vận tải biển tăng từ 2-10 lần, ở mức 18.000 - 22.000 USD/container khiến hầu hết doanh nghiệp không thể hoàn thành đơn hàng hoặc phải xin gia han.
Ông Lập dự báo trung và dài hạn doanh nghiệp có thể bị mất khách hàng, mất thị trường, mất khả năng tham gia chuỗi cung ứng của ngành hàng trên thị trường thế giới.
Chia sẻ về cụ thể tình cảnh của doanh nghiệp vùng dịch, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và lâm sản TP HCM (Hawa) cho biết theo khảo sát nhanh của Hawa hiện chỉ có khoảng 52% số doanh nghiệp của hội đang hoạt động, số lao động giảm mạnh.
Công suất chế biến giảm 50-70%, nguyên liệu đầu vào từ các kênh nhập khẩu bị gián đoạn do cảng, giao thông liên tỉnh không thông suốt, dòng tiền càng khó khăn do không đủ công suất xuất, xuất khẩu nên không thể thu được dòng tiền, trong khi doanh nghiệp bị phát sinh chi phí lớn khi làm mô hình "3 tại chỗ" với mức tăng 10-15%.
"Đối tác mua hàng đang cân nhắc có tiếp tục mua hàng không, đây là tác động chiến lược lâu dài rất quan trọng vì việc ngưng cung ứng hàng 2-3 tháng nay từ các nhà máy lớn, doanh nghiệp FDI khiến nhiều nhà mua hàng muốn chuyển dịch chuỗi cung ứng", ông Khanh chia sẻ.
Cần nâng hạng ưu tiên vắc xin với người lao động ngành gỗ
Trước thực tế hiện nay, Chủ tịch Viforest đề nghị các địa phương cần cho phép doanh nghiệp tự lựa chọn áp dụng phương thức “3 tại chỗ” hay “1 cung đường 2 điểm đến”… tùy theo tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, các sở y tế nên nhanh chóng tổ chức hướng dẫn đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp những kiến thức cơ bản trong phòng chống dịch, cho phép người lao động của doanh nghiệp được di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ hai hoặc một mũi vắc xin và thực hiện nghiêm túc 5K.
"Các tổ chức tín dụng giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4 - 4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay. Đồng thời, giãn nợ gốc và trả lãi từ 6 - 12 tháng để doanh nghiệp có đủ thời gian ổn định sản xuất", ông Đỗ Xuân Lập đề xuất.
Còn với ông Nguyễn Quốc Khanh, vị này cho rằng cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các bộ ngành và địa phương trong triển khai thực hiện để tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm xây dựng định hướng và kế hoạch của doanh nghiệp, giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng.
Đặc biệt là hỗ trợ nguồn tài chính mới với những doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của đại dịch để họ có đủ nguồn vốn có thể phát triển và nắm bắt cơ hội, hướng đến mục tiêu là nguồn cung ứng mặt hàng gỗ là nội thất lớn của thế giới.
Trong khi đó, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản tỉnh Bình Dương (Bifa), cho rằng các doanh nghiệp tại TP HCM và Bình Dương đang rục rịch hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới sau ngày 15/9 nhưng vấn đề quan trọng tỷ lệ tiêm vắc xin.
"Tháng 8 ngành hàng sụt giảm nghiêm trọng giá trị xuất khẩu tuy vậy vẫn có điểm sáng khi 8 tháng đầu năm cả nước nhập siêu 3,71 tỷ USD, nhưng ngành gỗ vẫn tạo ra giá trị xuất siêu 4,58 tỷ USD, đây là điểm đặc biệt để thấy ngành hàng gỗ đem lại ngoại tệ to lớn và giữ ngoại tệ trong nước.
Tuy nhiên, việc ưu tiên tiêm vắc xin của ngành gỗ trong phân loại của Bộ Y tế lại nằm vị trí 13, gần như đội sổ, có phần không phù hợp với mục tiêu phát triển của Chính phủ đề ra với ngành hàng", ông Điền cho hay.
Do đó, đại diện Bifa đề nghị cần nâng hạng ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động ngành gỗ từ vị trí 13 lên mức 8, vì nếu không điều chỉnh tiêu chuẩn này thì việc phân bổ vắc xin ở các địa phương vẫn phải đi theo quy chế cũ.
Trước những phản ánh về khó khăn cũng như đề xuất của các hiệp hội, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng hiện nay, các thị trường có nhu cầu rất lớn đối với đồ gỗ Việt Nam như Mỹ, các nước trong Liên minh châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp cần giữ các thị trường truyền thống, đảm bảo đơn hàng trong các tháng cuối năm nay và đầu năm sau.
"Trong những khó khăn, thách thức hiện nay cũng thấy các cơ hội thời gian tới. Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế để phục hồi căn cơ bài bản và khả thi. Đây cũng là cơ hội chúng ta đổi mới lại cách quản lý, quản trị của từng doanh nghiệp. Về lâu dài không chỉ là phục hồi mà còn phải thích ứng với dịch để phát triển", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.