|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xuất khẩu dệt may có sự tăng trưởng nhưng chưa bền vững

20:53 | 04/07/2017
Chia sẻ
Khả năng các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu dệt may với Việt Nam sẽ phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu như đã làm trong năm 2016 ngày càng hiện hữu.
xuat khau det may co su tang truong nhung chua ben vung
Xuất khẩu dệt may Việt Nam có sự tăng trưởng nhưng chưa bền vững. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnamplus)

Trong 6 tháng đầu năm 2017, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, ngành dệt may Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng xuất khẩu hai con số so với 6/2016. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, kim ngạch dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm có tăng trưởng nhưng chưa bền vững.

Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may 6 tháng đầu năm nay đạt 14,58 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,1% của cùng kỳ năm 2016.

Đóng góp cho sự tăng trưởng cao chủ yếu nhờ xuất khẩu xơ, sợi 6 tháng đạt 1,69 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 11,84 tỷ USD, tăng 9,1%, cao hơn mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm 2016.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, đây là nỗ lực đáng ghi nhận của ngành dệt may trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn bất ổn và tình hình dệt may thế giới không khả qua bởi các quốc gia nhập khẩu dệt may chính là Mỹ, EU, Nhật Bản đều có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu dệt may thấp hoặc suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2017.

Cụ thể, nhập khẩu của thị trường Mỹ giảm nhẹ gần 1%, nhập khẩu của EU giảm hơn 2%, nhập khẩu của Nhật Bản giảm 0,6%. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường lớn đều tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm 2017.

Chẳng hạn, xuất khẩu đi Mỹ ước đạt 6 tỷ USD tăng gần 9%; xuất khẩu đi EU ước đạt 2,3 tỷ USD tăng 8%; xuất khẩu đi Nhật Bản ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 12%; xuất khẩu đi Hàn Quốc ước đạt 1,2 tỷ USD tăng 18%.

Nếu so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất. Cụ thể, theo Bản đồ thông tin thương mại (Trade Map) trong 6 tháng đầu năm 2017, so với cùng kỳ, xuất khẩu dệt may của Trung Quốc giảm hơn 5%, Bangladesh giảm 3,5%, Indonesia giảm 5%, riêng Ấn Độ tăng 5%.

Cũng theo ông Lê Tiến Trưởng, tuy tăng trưởng dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017 khả quan nhưng chưa bền vững do ảnh hưởng tiêu cực từ đường lối bảo hộ mậu dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump và từ việc điều chỉnh tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, khả năng các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam sẽ phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu như đã làm trong năm 2016 ngày càng hiện hữu.

Với tình hình trên, dự báo xuất khẩu dệt may 6 tháng cuối năm sẽ không có nhiều đột biến so với đầu năm. Dự kiến cả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt 31,3 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2016.

Một trong những khó khăn đối với ngành dệt may hiện nay là trước tiên do thách thức từ bên ngoài. Trung Quốc được coi là đối thủ cạnh tranh nặng ký với quy mô sản xuất lớn, giá thành thấp, nhất là về nguồn lực, Trung Quốc giành lợi thế theo quy mô.

Trước xu thế hội nhập, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là mục tiêu lớn. Chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi các bước đáp ứng tốt nhất cả về chất lượng, giá và thời gian giao hàng.

Hiện nay, chỉ có một số doanh nghiệp may đã đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu tuy nhiên thị phần không nhiều. Bên cạnh đó, một trong những khó khăn nội tại của ngành là định hướng phát triển ngành chưa đáp ứng được sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp và thích ứng với thị trường.

Vì vậy, thiếu sự cạnh tranh và ổn định lao động, thiếu sự thu hút đối với người lao động, ngoài ra, còn gây ra sự cạnh tranh gay gắt, giành giật khách hàng không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước và giữa doanh nghiệp trong nước và FDI.

Hơn nữa, công nghiệp phụ trợ dệt may chưa phát triển. Tình trạng “nút thắt cổ chai” tại công đoạn dệt nhuộm, vải không đủ phục vụ may (trên 70% vải là nhập khẩu), tạo ra sự phát triển mất cân đối và dễ bị tổn thương.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hầu hết có quy mô vừa và nhỏ và với khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế, nếu không liên kết với một số doanh nghiệp lớn thì những doanh nghiệp này cũng khó tồn tại, chưa nói tới việc cạnh tranh quốc tế.

Tiến bộ công nghệ và tự động hóa là thách thức lớn đòi hỏi sự hỗ trợ của Bộ ngành. Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ kỹ thuật còn khá thấp, khả năng thiết kế thời trang, phát triển sản phẩm, kỹ năng giao dịch, tiếp thị, ngoại ngữ còn nhiều hạn chế và chậm được cải thiện, vì vậy không đủ nguồn lực để phát triển các phương thức FOB, ODM, OBM, kể cả cán bộ quản trị cấp cao.

Các chi phí đầu vào như chi phí nhân công, vận chuyển cao cũng như việc tiếp cận vốn còn gặp nhiều khó khăn là những hạn chế cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Ngoài ra, tình trạng hàng nhập lậu tràn lan trên thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp nội địa.

Để giảm bớt khó khăn trên, ngành dệt may kiến nghị các ngành chức năng hỗ trợ các chương trình đào tạo và đào tạo lại người lao động phù hợp công nghệ mới theo hình thức đặt hàng cho doanh nghiệp và nhà trường phối hợp.

Đặc biệt là đào tạo trong các doanh nghiệp tốt ở các nước phát triển cho các ngành thiết kế thời trang, kinh doanh ODM, IT cho ngành, đồng thời, đề ra chính sách hợp lý giữa tạo việc làm-lương tối thiểu và tỷ giá, giúp doanh nghiệp có nguồn lực tập trung trong 5 năm đổi mới công nghệ.

Song song với đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn như: tiếp tục giảm lãi suất cho vay, từng bước tiệm cận mức lãi suất cho vay của các nước trong khu vực nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất.

Nới lỏng các điều kiện vay vốn hoặc triển khai các gói hỗ trợ vốn chuyên biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; có chính sách tỷ giá phù hợp theo hướng cho hỗ trợ xuất khẩu. Ngăn chặn hàng nhập lậu tiểu ngạch, trốn thuế, cạnh tranh với hàng nội địa.

Hằng Trần

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.