Xuất khẩu cao su 11 tháng mang về gần 3 tỷ USD
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Côn Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 252,6 nghìn tấn cao su, trị giá gần 343 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng 9,4% về trị giá so với tháng 10, còn so với tháng 11/2021 tăng 19,5% về lượng, nhưng giảm 4,2% về trị giá.
Lũy kế 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 1,87 triệu tấn, trị giá gần 2,95 tỷ USD, tăng 9,8% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 11, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.358 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 10 và giảm 18,2% so với tháng 11/2021.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 82,4% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với gần 208,2 nghìn tấn, trị giá 276,4 triệu USD, tăng hơn 17% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với tháng 10, so với tháng 11/2021 tăng 30,6% về lượng và tăng 3,5% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc trong tháng 11 ở mức 1.328 USD/tấn, giảm 2,4% so với tháng 10 và giảm 18,6% so với tháng 11/2021.
Lũy kế 11 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,37 triệu tấn cao su, trị giá 2,08 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 6,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt như: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia… tiếp tục tăng so với tháng 11/2021. Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Ytaly, thị trường Đài Loan, Indonesia... lại giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, đồng USD tăng giá mạnh, giá cao su liên tục giảm.
Trong khi đó, sự cạnh tranh về giá giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên tăng lên. Mặt khác, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc, gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.