|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng mạnh trở lại, EU có thể phục hồi nửa cuối năm

15:31 | 19/07/2024
Chia sẻ
Theo Undercurrent News, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông trong tháng 6 đạt mức cao nhất trong hai năm, trong khi đó, thị trường EU được kỳ vọng phục hồi vào nửa cuối năm nay.

 

Trong tháng 6, tổng khối lượng xuất khẩu sản phẩm cá tra tăng 39% so với cùng kỳ năm trước đạt 81.276 tấn. Trung Quốc và Hồng Kông, thị trường cá tra lớn nhất, đã cho thấy sự gia tăng ổn định trong thời gian qua, với mức tăng 20% về khối lượng nhập khẩu.

Xuất khẩu sang Mexico cũng tăng 23%. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường chính khác giảm, bao gồm Mỹ (-27%), ASEAN (-13%), Brazil (-13%), Anh (-25%) và EU (-2%).

Hoạt động xuất khẩu sang EU đã dần chậm lại trong ba tháng qua,  nhưng doanh số bán hàng tại đây trong nửa đầu năm 2024 vẫn cao hơn 14% so với cùng kỳ năm trước, xét về khối lượng.

"Thị trường EU đang dần ổn định, với nền kinh tế tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục", báo cáo cho biết. "Giá cả thị trường và mức tiêu thụ cũng đang ổn định, với lạm phát hải sản tiếp tục giảm xuống 2,1% vào tháng 5. Xuất khẩu cá tra sang EU dự kiến sẽ phục hồi vào nửa cuối năm nay sau kỳ nghỉ hè ở châu Âu".

Bà Lê Thuỳ Trang, giám đốc bán hàng của công ty thương mại Siam Canadian tại Việt Nam, chia sẻ với Undercurrent rằng trong nửa đầu tháng 7, “khách hàng Trung Quốc và Trung Đông đang mua mạnh các loại phi lê cá tra cỡ lớn, từ 300 gram trở lên".

“Do đó, giá nguyên liệu cá tra cỡ lớn 1kg trở lên (để sản xuất phi lê cỡ 270g trở lên) cao hơn cá tra cỡ nhỏ 500 đồng/kg và đang trong tình trạng khan hiếm”, bà cho biết.

Bà lưu ý rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có xu hướng tạo điều kiện thuận lợi cho cá tra vì đây là loại cá thịt trắng có giá cả phải chăng hơn và vì lý do này, người nuôi và các công ty chế biến ở Việt Nam đang kỳ vọng nhu cầu sẽ cao hơn vào nửa cuối năm 2024. 

Một số nguồn tin cho biết, việc thả cá giống chậm, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu thô cho vụ thu hoạch vào cuối tháng 8 hoặc tháng 9.

"Chúng tôi hy vọng giá cước vận tải biển sẽ sớm giảm xuống để giá cá tra hấp dẫn hơn trên thị trường”, bà Trang cho biết.

Các chuyên gia thương mại tại Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đều đồng tình rằng triển vọng sẽ tươi sáng hơn khi giá cước điều chỉnh giảm.

Xuất khẩu sang EU đã đạt 77 triệu USD tính đến ngày 15/6, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Phi lê đông lạnh là sản phẩm chính và giá trị bán hàng của sản phẩm này đã giảm 8% xuống còn 67 triệu USD trong khoảng thời gian này. 

Theo một công ty tư vấn được Undercurrent News ủy quyền thu thập và phân tích dữ liệu hải quan cho biết tại Trung Quốc giá bán lẻ cá tra rẻ hơn so với cá nước ngọt nuôi trong nước, chẳng hạn như cá chép.

"Các nhà nhập khẩu buộc phải tập trung vào hàng hóa giá rẻ do nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu khiến khách hàng tiết kiệm hơn và ngần ngại mua hàng. Chi phí hợp lý và chất lượng phi lê tốt đã giúp cá tra ngày càng phổ biến và tạo dựng được chỗ đứng vững chắc hơn tại quốc gia này."

Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Sau khi tăng 3% vào tháng 3, ba tháng tiếp theo đều giảm.

Với sự gia tăng về khối lượng cá tra xuất khẩu hàng tháng sang Trung Quốc và Hồng Kông, thị trường này một lần nữa trở thành thị trường quan trọng nhất đối với Việt Nam.  Ở mức 31.908 tấn vào tháng 6, đây là khối lượng xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 2/2023. Đối với thị trường Mỹ, tháng 6 chứng kiến ​​khối lượng giảm xuống còn 9.630 tấn. Tuy nhiên, giá đã tăng thêm 1,3% lên 2,99 USD/kg.

Xuất khẩu sang EU tiếp tục tương đối ổn định trong tháng 6, giảm nhẹ ở mức 6.153 tấn, nhưng giá giảm thêm 3,3% so với tháng 5 xuống còn 2,35 USD/kg.

Thị trường ASEAN cũng chứng kiến ​​khối lượng xuất khẩu giảm trong tháng 6, xuống còn 7.810 tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 2.Tuy nhiên, giá trung bình đã tăng 4,4% lên 1,82 USD/kg. Giống như thị trường Trung Quốc, giá vẫn tương đối cao so với năm 2020/2021, nhưng vấn đề đối với người nông dân là tất cả chi phí đầu vào hiện cao hơn nhiều so với thời điểm đó.

H.Mĩ