|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu cá tra có dấu hiệu phục hồi, niềm vui của ngành thủy sản Việt Nam vẫn chưa trọn vẹn

07:00 | 19/10/2018
Chia sẻ
Việc Việt Nam bị EU cảnh báo thẻ vàng đã tác động làm giảm giá trị xuất khẩu thủy sản khai thác sang EU thời gian qua và dự báo tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm.

Xuất khẩu cá tra có dấu hiệu phục hồi

Tại Hội nghị thủy sản 2018 ngày 18/10, nói về hiện trạng, thách thức và cơ hội xuất nhập khẩu giữa châu Âu và Việt Nam, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, theo thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 6,4 tỷ USD trong đó xuất khẩu sang thị trường EU vươn lên vị trí thứ 2 với giá trị đạt 1,1 tỷ USD.

Riêng về cá tra, ông Hòe cho hay, trong vòng 20 năm qua, EU luôn là thị trường nhập khẩu quan trọng của ngành cá tra Việt Nam. Từ giai đoạn năm 2004-2014, xuất khẩu cá tra sang EU luôn đứng ở vị trí số 1 trong cơ cấu các thị trường xuất khẩu của ngành hàng này.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, xuất khẩu cá tra liên tục sụt giảm và hiện chỉ đứng ở vị trí thứ 3, sau Trung Quốc và Mỹ. Thậm chí, trong vài tháng đầu năm 2018, còn tụt xuống vị trí thứ 4 sau cả thị trường ASEAN.

Cá tra của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về độ chắc thịt và mùi vị so với một số loài cá thịt trắng khác như cá cod, cá lưỡi trâu, cá haddock, cá minh thái... Bên cạnh đó, với lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn, cá tra Việt đã nhanh chóng trở thành một sản phẩm thay thế có tính cạnh tranh cao ở thị trường EU.

Ngoài ra, chính sự thành công vượt bậc của cá tra tại EU mà truyền thông một số nước ở khu vực này đã đưa nhiều thông tin không trung thực nhằm bôi xấu hình ảnh và hạ bệ cá tra. Điều này ít nhiều gây ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng, làm giảm nhu cầu tiêu thụ đối với mặt hàng này.

Hiện một số doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu bằng cách phát triển sản phẩm mới, tăng sản phẩm có giá trị gia tăng, giảm tỷ lệ mạ băng. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2017 đến nay, do nguồn cung cá tra hạn chế nên giá bán một số sản phẩm cá tra cũng tăng lên đáng kể.

Theo ông Hòe, ngoài việc giá bán sản phẩm cá tra tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây thì ở thị trường EU, một số loài cá thịt trắng khác bị mất mùa nên cá tra được lựa chọn là sản phẩm thay thế. Điều này đã giúp kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt sang EU có dấu hiệu phục hồi trong vài tháng gần đây.

gian nan xuat khau thuy san sang eu
ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP (ảnh: MA)

Thủy sản Việt Nam sang EU gặp nhiều thách thức

Ông Hòe cho biết, Việt Nam bị EU cảnh báo thẻ vàng đã tác động làm giảm xuất khẩu thủy sản khai thác sang EU thời gian qua, và dự báo tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm, điều này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản.

Cụ thể, xuất khẩu các mặt hàng mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá biển sang EU sẽ tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận xác nhận nguồn gốc khai thác theo quy định IUU.

Mặt khác, khách hàng EU sẽ hạn chế hoặc ngừng mua hàng của các quốc gia đang bị thẻ vàng. Ngoài ra, uy tín, thương hiệu của ngành thủy sản khai thác của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Việc 100% container hàng hải sản xuất khẩu sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác sẽ mất thời gian và tốn chi phí. Một rủi ro nữa là các thị trường khác có thể áp dụng các quy định kiểm soát nghiêm ngặt hơn, như Mỹ đang áp dụng chương trình SIMP chống khai thác IUU từ 1/1/2018.

Xem thêm

Thu Hà